Ngày 17/2 (mùng 8 Tết Giáp Thìn 2024), người dân làng Thị Cấm tưng bừng tham gia ngày hội thổi lửa nấu cơm thi. Đây là lễ hội văn hóa truyền thống được dân làng tổ chức để tưởng nhớ công ơn của tướng Phan Tây Nhạc - một vị tướng văn võ song toàn dưới thời vua Hùng thứ 18.
Tương truyền, đời Vua Hùng thứ 18, quân Thục sang xâm lược nước ta. Tướng quân Phan Tây Nhạc được giao thống lĩnh quân binh chống giặc. Khi dẫn quân qua làng Hương Canh (làng Thị Cấm ngày nay), ông ra lệnh tổ chức nấu cơm thi để tuyển chọn người giỏi việc hậu cần đi theo phục vụ quân đội. Chiến thắng giặc ngoại xâm, tướng quân Phan Tây Nhạc ở lại vùng đất Hương Canh, dạy dân cấy lúa, dệt vải.
Sau khi qua đời, tướng quân Phan Tây Nhạc được nhân dân tôn là Thành hoàng làng. Tưởng nhớ công ơn của ngài, dân làng Thị Cấm mở Hội kéo lửa, thổi cơm thi vào ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm với những phần thi vô cùng độc đáo.
Hội thổi cơm thi Thị Cấm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2021.
|
Những người được lựa chọn dự thi sẽ chia thành 4 đội để tham gia thi 4 phần: Kéo lửa, chạy thi, giã gạo, thổi cơm. Phần thi chạy lấy nước sẽ do các cháu có độ tuổi từ 12 - 14 tuổi đảm nhận. Xuất phát từ đình làng các thí sinh sẽ phải chạy quãng đường khoảng 700m về hướng đông. Ai mang được nước về lại đình làng sớm nhất sẽ chiến thắng |
|
Bên trong sân đình lúc này các đội chơi đập dập, tước nhỏ những cây nứa cho dễ dàng bắt lửa |
|
Rơm được bện thành vòng tròn để đệm cối giã gạo và che chắn không cho thóc, gạo bắn ra ngoài |
|
Những nông cụ phục vụ cuộc thi như chày gỗ, cối đá,... được đánh dấu theo số thứ tự theo 4 đội thi |
|
Các đội bắt đầu kéo lửa. Dụng cụ để kéo bao gồm 3 thanh giang, một hộp tre khô và bùi nhùi được làm từ rơm khô. Mồi lửa đầu tiên bén rơm cũng là lúc không khí trong sân đình làng náo nhiệt hơn bao giờ hết |
|
Các nam thanh niên sẽ đem thóc cho vào cối giã. Thao tác giã gạo phải thật nhanh và khéo để hạt gạo không bị vỡ |
|
Sau khi giã xong, gạo sẽ được đổ ra, một người giần sàng cho sạch trấu, cám và thổi cơm |
|
Gạo được dùng trong hội thi được dân làng Thị Cấm gieo trồng và tuyển lựa mang về tế Thánh |
|
Chung tay thổi cơm là những phụ nữ khéo tay tại địa phương |
|
Khói mù mịt sân đình Thị Cấm trong ngày hội thổi cơm thi đầu xuân Giáp Thìn. Lễ hội cũng thu hút cả nghìn người dân và du khách tới theo dõi, đứng chật kín bên trong và cả ngoài sân đình |
|
Để kéo dài thời gian cho cơm chín đều, người phụ trách nồi cơm đốt vun nhiều đống tro rơm buộc người chấm phải mất công tìm kiếm |
|
Thời gian dành cho quá trình thi thổi cơm kéo dài khoảng gần một giờ đồng hồ. Sau đó các cụ trong Ban tổ chức sẽ gõ trống và đi tìm các nồi cơm trong các đống tro than rơm trên sân đình |
|
Chính tay các cụ cao tuổi tự thu gom các nồi nấu cơm để mang vào đình chấm điểm. Nếu các đội khéo giấu thì thời gian được kéo dài và cơm sẽ chín đều, nếu giấu vụng, bị giám khảo tìm thấy ngay đầu tiên thì cơm dễ bị sống |
|
Cơm chín dẻo, thơm ngon, không khê, nát là đạt. Việc chấm điểm cũng chỉ là tượng trưng để khích lệ các đội thổi cơm sao cho thật khéo léo |
|
Sau khi công bố kết quả hội thi, dân làng chia nhau ít hạt cơm cúng Thành Hoàng làng để lấy lộc đầu năm. Họ tin rằng người lớn ăn hạt cơm này thì cả năm sẽ may mắn, trẻ em sẽ hay ăn, chóng lớn |