Xuất khẩu trực tuyến thông qua sàn thương mại điện tử
Là DN chuyên kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam, ông Trần Đức Chung – Giám đốc Công ty TNHH Vinescraft (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội)- chia sẻ, trước đây, phương thức XK của DN chủ yếu là tiếp cận các nhà nhập khẩu, hoặc các trung tâm phân phối, cá nhân, cửa tiệm. Cách đây 5 năm, DN bắt tay vào việc đưa hàng lên kênh TMĐT Amazon. Thời điểm này, thông tin về kênh phân phối tại thị trường Việt Nam là chưa nhiều. Mất 2 năm tìm hiểu về thị hiếu tiêu dùng cũng như cách bán trên sàn TMĐT Amazon, đến thời điểm này, mỗi ngày DN có khoảng 300 – 500 đơn hàng. “Trên Amazon các đơn hàng giá trị 50 USD trở lại là các đơn hàng dễ bán. Hiện, các đơn hàng của DN có giá từ 19 – 40 USD/đơn” - ông Trần Đức Chung cho biết.
Các khâu giao nhận, vận chuyển hàng hóa đều tác động lên giá thành của sản phẩm |
Chia sẻ kinh nghiệm từ chính DN mình, ông Trần Đức Chung cho biết, bất kỳ nền tảng TMĐT toàn cầu nào đều có những điểm lợi thế và hạn chế. Điều quan trọng nhất đó là tìm kiếm sự phù hợp giữa DN và sàn TMĐT toàn cầu mà phía DN sẽ tham gia, từ đó thúc đẩy doanh số.
Cũng kinh doanh trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ với sản phẩm đã XK đến 50 thị trường theo phương thức truyền thống, ông Trần Quốc Toản- Giám đốc Công ty TNHH Cờ Đỏ- cho hay: “Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao thương trực tiếp. Thông qua sàn TMĐT hàng đầu thế giới Amazon, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, sản phẩm đến được thẳng tay người tiêu dùng cuối cùng”.
Là DN chuyên sản xuất các sản phẩm linh phụ kiện cho ô tô và xe máy với thị trường tiêu thụ cả nội địa và XK, ông Jason- Giám đốc Phòng Kinh doanh- Công ty TNHH ChiuYi Việt Nam (có trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội) - cho rằng, hiện mảng XK của DN chưa nhiều, chủ yếu là XK sang Mỹ, chiếm tổng doanh thu là 5%. Thông qua sàn TMĐT Amazon, DN mong muốn có thể nâng được mảng kinh doanh của DN lên thêm từ 5 - 8%.
Tìm hiểu các quy định, cách thức để có thể XK đúng tiêu chuẩn của Amazon, cách thức vận chuyển, thủ tục mở gian hàng, thời gian giao nhận hàng… được các DN cho biết, đây là những vấn đề rất cấp thiết. Bởi lẽ, tất cả những yếu tố này đều tác động lên giá thành của sản phẩm.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Người tiêu dùng thế giới hiện nay đang có xu hướng chuyển nhanh sang TMĐT. Vậy DN làm thế nào để thành công được trong tình hình mới? ông Gijae Seong- Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam- khuyến nghị, DN cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững và đa dạng hóa kênh bán hàng. Bên cạnh đó, cần thích ứng với những thay đổi từ nhu cầu khách hàng, tối ưu hóa sản phẩm và dịch vụ dựa theo đánh giá. Cuối cùng là mở rộng kênh bán hàng xuyên biên giới, mang hàng Việt ra thế giới.
Hà Nội hỗ trợ các DN đẩy mạnh XK trực tiếp thông qua kênh TMĐT toàn cầu |
Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)- nhận định, dịch Covid-19 tạo áp lực thay đổi, mở hướng đi mới cho DN, kể cả DN nhỏ. Một trong những cơ hội, đó là DN ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình lên môi trường trực tuyến, để kết nối trực tiếp với người tiêu dùng.
XK trực tuyến giúp DN giảm chi phí đầu tư cơ sở, nhân công, thu hút thêm nhiều khách hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với những DN Việt Nam nói chung cũng như DN Hà Nội nói riêng thì quy mô nhỏ đang là bất lợi. Thống kê cho thấy, TP. Hà Nội có trên 30.000 DN, trong đó 90 - 95% là DN nhỏ nên việc tìm hiểu thông tin, tận dụng tiềm năng XK trực tuyến cũng không dễ dàng.
Bởi lẽ, làm thế nào để phát triển thương hiệu, nâng cao nhận diện với người mua nước ngoài, đồng thời giảm chi phí giao hàng vì sản phẩm bán online thường có giá trị không lớn là thách thức không nhỏ đối với DN XK trực tuyến.
Đại diện Dự án Thúc đẩy cải cách và Nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa- nhìn nhận, thế giới đang thay đổi nhanh chóng nên đặt ra thách thức với nhà cung cấp về áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Khách hàng có nhiều lựa chọn nên đòi hỏi DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời, cần đáp ứng các tiêu chuẩn mà thị trường, người dùng thế giới cần.
Để hỗ trợ các DN trong việc đẩy mạnh XK trực tiếp thông qua kênh TMĐT toàn cầu, bà Trần Thị Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, sắp tới đây, Hà Nội sẽ tổ chức một cuộc xúc tiến riêng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề của Hà Nội vào kênh TMĐT xuyên biên giới Amazon. Bà Trần Thị Phương Lan cũng kỳ vọng, qua các đợt hỗ trợ như tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn, các DN vừa và nhỏ của TP. Hà Nội sẽ hiểu rõ và nắm bắt được những quy trình, thủ tục, các quy định. Đồng thời, được tư vấn để thường xuyên làm mới sản phẩm trên hệ thống. Từ đó, có thể gây được sự chú ý và phản hồi tích cực của người tiêu dùng trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, giúp DN nâng cao năng lực chào hàng trực tuyến, xúc tiến được sản phẩm hàng hóa của mình thông qua kênh TMĐT toàn cầu, từ đó, mở ra cho các DN vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố cơ hội XK trực tuyến đầy tiềm năng.
Dịch Covid-19 gây không ít trở ngại cho XK hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế. Trước thách thức đó, việc XK trực tuyến thông qua sàn TMĐT xuyên biên giới không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. |