Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (còn được gọi là bão Yagi) tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, sáng nay 7/9, Thành phố Hà Nội đã có mưa vừa đến mưa to. Lượng mưa từ 7h đến 13h ngày 07/9/2024 tại các nơi phổ biến từ 30-60mm.
Một cây xanh đổ trên đường Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Đăng Khoa |
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội, mưa lớn từ bão số 3 đã khiến 402 cây đổ, cành gãy trên địa bàn Thành phố. Trong đó, số cây đổ là 200 (Hai Bà Trưng 05 cây, Hoàn Kiếm 2 cây, Ba Đình 01 cây, Đống Đa 14 cây, Cầu Giấy 17 cây, Thanh Xuân 16 cây, Long Biên 11 cây, Đại Lộ Thăng Long 14 cây, Hà Đông 03 cây, Hoàng Mai 12 cây, Nam Từ Liêm 05 cây, Bắc Từ Liêm 01 cây, Thanh Trì 21 cây, Ba Vì 03 cây, Đông Anh 05 cây, thị xã Sơn Tây 70 cây) và 202 cành gãy.
Liên quan đến thiệt hại về người, Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố Hà Nội thông tin, tính đến 07h00’ ngày 07/9/2024, trên địa bàn Thành phố có 07 người bị thương vong do cây đổ, trong đó có 1 người chết và 1 người bị thương tại quận Hoàng Mai do cây đổ. Quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng có lần lượt là 3 và 2 người bị thương do cơn bão.
Còn về tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố Hà Nội cho biết có 1 xe ô tô 4 chỗ và 1 xe ô tô khách bị hư hỏng do cây đổ tại quận Hà Đông. Tại quận Hai Bà Trưng, có 1 xe máy đã hư hỏng do cây đổ.
Về một số thiệt hại khác, tại huyện Hoài Đức, một số cột điện bị gãy đổ làm mất điện khoảng 2.517 hộ gia đình. Tại thị xã Sơn Tây, có 4 cột điện bị đổ, 3 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn và 1 chuồng bò bị sập mái. Còn tại huyện Thanh Trì, mưa bão đã làm gãy đổ 1 cột điện, 252 hộ gia đình mất điện, nhưng hiện đã được cấp trở lại. Còn lại các địa phương, đơn vị khác báo cáo không có tình hình thiệt hại.
Sau đây là một số hình ảnh về thiệt hại do bão số 3 trên địa bàn Thành phố Hà Nội:
Tại đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, đã có hàng loạt cây đổ do bão lớn. Ảnh do người dân cung cấp. Ảnh: Đăng Khoa |
Một cành cây bị đổ trên tuyến đường Phạm Hùng. Ảnh: Quyên Quyên |
Tại chung cư 75 Tam Trinh, quận Hoàng Mai, người dân đang nỗ lực xử lý một cây xanh bị đổ. Ảnh do người dân cung cấp. |
Tại nút giao Trần Hưng Đạo và Hàng Bài, gió giật mạnh đã làm bật gốc một cây xanh lớn. Ảnh do người dân cung cấp. |
Tại khu vực đường Kim Giang, quận Thanh Xuân, đã một cây xanh đổ ngay giữa tuyến đường, nhưng không gây thiệt hại về người và tài sản. Ảnh do người dân cung cấp. |
Một cành cây bị đổ tại đường Hoàng Đạo Thành, quận Thanh Xuân. Ảnh do người dân cung cấp. |
Dự báo tác động của bão số 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ, cấp độ rủi ro thiên tai do bão tại khu vực thành phố Hà Nội đang là cấp độ 3.
Dự báo, trong chiều và đêm nay 7/9, các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10.
Cũng trong chiều và đêm nay, thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ, thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ chiều tối đến đêm ngày 07/9. Gió mạnh được dự báo có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Từ nay đến sáng ngày 09/9, thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông (mưa to đến rất to tập trung từ chiều ngày 07/9 đến sáng 08/9).
Tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lượng mưa dao động từ 200 - 300mm, có nơi trên 400mm.
Tại thị xã Sơn Tây và các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, lượng mưa dao động từ 150 - 250mm, có nơi trên 350mm.
Mưa lớn được dự báo có thể làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông; có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường. Mưa lớn cũng có khả năng gây ra sạt lở đất ở vùng đồi núi một số huyện ngoại thành như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai…
Mực nước sông lên cao tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở đất ven sông, ngập lụt các vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông Đà,sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ và vùng trũng, ven sông một số khu vực thuộc huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, quận Long Biên, quận Hà Đông…
Ngoài ra, lũ, ngập lụt, lũ quét sạt lở đất từ mưa lớn có thể ảnh hưởng đến con người, một số khu công nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông của người dân. Mưa lớn có thể gây ngập úng cây trồng, làm đất trở nên bão hòa nước, hoặc làm cây bị đổ gây thiệt hại cho mùa màng.
Cuối cùng, mưa lớn có thể kèm theo các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ, cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn hiện đang ở cấp 1.