Hà Nội: Kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại huyện Ba Vì TP. Hồ Chí Minh: Một Giáo sư, tiến sĩ ủng hộ 1 tỷ đồng cho đồng bào bị mưa lũ phía Bắc Nước lũ cô lập hơn 100 hộ dân tại Hà Nội |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, vào 15h ngày 10/9/2024: mực nước trên sông Đáy tại Trạm thủy văn Phủ Lý là: 4,56m (trên báo động III: 0,56m), mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hưng Yên là 6,27m (dưới báo động II là 0,03m).
Trao đổi với báo Công Thương, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nam Lê Nguyên Ngọc cho biết: "Hiện nay mực nước sông Đáy hiện đã vượt mức báo động III. Để đảm bảo phòng chống lũ, ổn định đời sống cho người dân, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực gia cố, đắp đập ngăn nước tràn vào thành phố. Đồng thời, Sở cũng đã lên phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn".
Các lực lượng hỗ trợ nhân dân vùng ngập lụt đến nơi tránh trú an toàn. Ảnh Công an tỉnh Hà Nam |
Để đảm bảo công tác phòng chống bão lũ, chiều 10/9, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Công văn chỉ đạo về việc theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó. Theo đó, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, thực hiện nghiêm chế độ thường trực; khẩn trương, quyết liệt thực hiện các nội dung, giải pháp chủ động ứng phó khắc phục với tình hình mưa lũ, thiên tai trên địa bàn tỉnh, ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng người dân; hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra và tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể sau:
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Phân công, bố trí lực lượng thường trực theo quy định (lưu ý, mỗi xã chuẩn bị, huy động lực lượng để duy trì thực hiện nhiệm vụ tại địa phương mình, đồng thời dự phòng 1 tổ khoảng 10 người có thể điều động tăng cường hỗ trợ cho địa phương khác xử lý tình huống do mưa lũ gây ra).
Kịp thời triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, phương án đảm bảo an toàn công trình đã được phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ”. Rà soát, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm xung yếu, các công trình đê điều đang thi công, cống dưới đê đã thi công hoàn thành chưa qua thử thách để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các sự cố, đặc biệt là những tình huống có nguy cơ mất an toàn do mưa, lũ và ảnh hưởng của việc vận hành điều tiết xả lũ các hồ thủy điện có thể gây ra.
Phân luồng giao thông, hạn chế đi lại các khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở. Chủ động sơ tán các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết để kịp thời hỗ trợ người dân tại các khu vực ngập úng, chưa di chuyển được. Kịp thời khắc phục các sự cố, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, đảm bảo cung cấp điện, nước sạch, thông tin liên lạc và vệ sinh môi trường; hướng dẫn và triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ.
Đôn đốc, kiểm tra việc thống kê, khắc phục các nội dung liên quan đến thiệt hại do bão số 3 gây ra để thực hiện công tác hỗ trợ đảm bảo theo quy định. Kịp thời báo cáo tham mưu UBND tỉnh xử lý đối với nội dung, tình huống vượt quá khả năng xử lý của địa phương do mưa lũ gây ra.
Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.
Công ty Điện lực tỉnh khẩn trương sửa chữa khắc phục các sự cố, đảm bảo cấp điện cho các trạm bơm tiêu thoát nước, cơ sở y tế, các khu công nghiệp, sinh hoạt của người dân.
Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp đảm bảo nước sạch sinh hoạt, khuyến cáo người dân tích trữ nước sạch dự phòng...
Ban Quản lý các Khu công nghiêp tỉnh khẩn trương, chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo tiêu thoát nước, phòng chống ngập tại các khu công nghiệp (trong đó lưu ý Khu công nghiệp Châu Sơn, Đồng Văn I, Đồng Văn II...)
Thủ trưởng các Sở, ngành, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chủ động triển khai đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều ứng phó với tình hình mưa lũ và vận hành xả lũ các hồ thủy điện theo quy định.