Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hà Giang: Xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng |
Hiệu quả từ chính sách đúng
Hà Giang là một trong những tỉnh khó khăn của cả nước, đa số đồng bào các dân tộc có nguồn thu nhập chính từ canh tác nông, lâm nghiệp, với hơn 80% người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, lâm nghiệp. Do đó, chi trả dịch vụ môi trường rừng được đánh giá là một chính sách cột mốc, với sự thay đổi rất lớn so với tiếp cận lâm nghiệp truyền thống của Việt Nam từ trước tới nay. Thay vì phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, chính sách này đã huy động được một nguồn vốn lớn từ toàn xã hội, tổ chức, doanh nghiệp, người dân để đầu tư cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân các khu vực có rừng.
Sau gần 10 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ rừng và người dân được nâng lên. Với tính chất “lấy rừng nuôi rừng” hỗ trợ cho những người đang bảo vệ, duy trì hệ sinh thái rừng, Nghị định 99 ngày 24/09/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một bước ngoặt chính sách đối với nghề rừng cho các địa phương có thế mạnh về rừng trong cả nước nói chung và Hà Giang riêng. Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là chính sách mới về phát triển Lâm nghiệp của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, tính đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng. Qua 3 năm thực hiện, bước đầu đã khích lệ công tác quản lý, bảo vệ rừng, xã hội hóa nghề rừng.
Theo thống kê từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang, hiện nay, tổng diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo mục đích sử dụng và nguồn gốc hình thành rừng trên địa bàn tỉnh là 451.705,73 ha, chiếm 97,8% diện tích rừng toàn tỉnh. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ 185.952,85 ha, rừng đặc dụng 51.735,11 ha, rừng sản xuất 201.369,09 ha, diện tích rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng 12.648,68 ha. Quỹ đã ký với các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng 47 hợp đồng, trong đó 32 hợp đồng với đơn vị sản xuất thủy điện, 11 đơn vị sản xuất và cung ứng nước sinh hoạt, 4 đơn vị sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước dịch vụ môi trường rừng.
Tổng số tiền huy động nguồn thu dịch vụ môi trường rừng dự kiến thực hiện đến 31/12/2022 đạt 148.631,3 triệu đồng, vượt 9,3% so với kế hoạch. Đến ngày 30/6/2022, Quỹ đã thanh toán 100% số tiền dịch vụ môi trường rừng là 124.085,7 triệu đồng cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo kế hoạch năm 2021. Đến 31/12/2022 sẽ thực hiện chi 14.959,9 triệu đồng theo kế hoạch năm 2022. Toàn bộ tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả cho đối tượng thụ hưởng thông qua đơn vị dịch vụ chi trả là ngân hàng và bưu điện.
Đến nay, diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng đối với chủ rừng là 209.720,1 ha; tổ chức được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng là 5.724,93 ha; UBND cấp xã là 236.260,7 ha. Năm 2021, có 43.578 hộ là chủ rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, trong đó 42.825 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Số hộ được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng thông qua nhận khoán vảo vệ rừng là 192.042 hộ, thuộc 1.909 thôn, tổ nhận khoán bảo vệ rừng với UBND cấp xã.
Trung bình mỗi hộ nhận được 560 nghìn đồng/năm, đặc biệt có hộ nhận 54,8 triệu đồng/năm, mỗi cộng đồng dân cư nhận trung bình 35,5 triệu đồng/năm, đặc biệt có cộng đồng dân cư nhận hơn 1,4 tỷ đồng/năm. Nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ người dân có rừng nâng cao đời sống, phát triển sinh kế, từ đó ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ và chăm sóc rừng của người dân được nâng lên, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm. Trong năm, toàn tỉnh trồng được trên 609 ha rừng trồng thay thế. Nhiều cộng đồng dân cư sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng để đầu tư mua cây giống để trồng rừng, xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông, làm nhà văn hóa và các hoạt động chung của thôn, góp phần từng bước thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.
Mục tiêu mới cho năm 2023
Năm 2023, kế hoạch thu tiền dịch vụ môi trường rừng là 147.537 triệu đồng; chi tiền dịch vụ môi trường rừng 147.537 triệu đồng, chi tiền trồng rừng thay thế 731,3 triệu đồng. Ngoài nhiệm vụ tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ về công tác chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị có liên quan đến thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo nguồn thu đúng, thu đủ, chi đúng quy định.
Hà Giang: Tín hiệu vui từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng |
Song song với đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang còn tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo đúng kế hoạch; rà soát lại diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng để bổ sung hoặc trừ bỏ những diện tích rừng không còn đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng; phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả; khuyến khích, hướng dẫn các chủ rừng, tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại vào công tác quản lý, bảo vệ rừng; phối hợp nắm bắt thông tin, chỉ đạo kịp thời, ngăn chặn từ xa các ý đồ, hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các đối tượng sử dụng cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành về chính sách này.