Năm 2021, hình ảnh ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch, một số lễ hội tiêu biểu của Hà Giang lần đầu tiên đã xuất hiện theo hình thức online trên nền tảng công nghệ số. Chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch Hà Giang, Gala “Tinh hoa cực Bắc - Sắc màu Hà Giang”, Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030 cũng đã được tổ chức thành công trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Sau nhiều vòng lựa chọn, Hà Giang có 2 món ăn (cháo Ấu tẩu, Mèn mén), 2 quà tặng (mật ong bạc hà, chè Shan tuyết) lọt vào Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam do Hội đồng kỷ lục Việt Nam công nhận. Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village (huyện Quản Bạ) ngay sau khi mở cửa đón khách đã được công nhận Khách sạn xanh ASEAN; trong số 40 sản phẩm đạt 3 sao OCOP, có sản phẩm du lịch cộng đồng thôn Quảng Hạ, Nà Ràng,…
Một trong những cung đường tuyệt đẹp ở Hà Giang |
Những kết quả trên có được là nhờ cơ chế, chính sách thu hút, phát triển du lịch được chính quyền các cấp của Hà Giang đặc biệt quan tâm và có những chỉ đạo sát sao, linh hoạt, thích ứng với diễn biến của dịch bệnh và tình hình chung của đất nước.
Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương trong cả nước, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tổng lượt du khách đến Hà Giang năm 2021 chỉ đạt hơn 908.000 lượt người, đạt 53,4% so với kế hoạch, giảm 40,66% so với năm 2020; doanh thu dịch vụ du lịch là 1.633 tỷ đồng, đạt 66% so với năm 2020. Công suất phục vụ phòng của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú chỉ đạt từ 10 - 20%, hoạt động kinh doanh nhà hàng là 30%; trên 3.500 người lao động bị mất việc làm (chiếm 76% số lao động trong lĩnh vực du lịch)…
Sau khi thẳng thắn trao đổi về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước về du lịch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19… đại diện các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch ở Hà Giang cho rằng: Để du lịch phát triển đúng với mục tiêu, định hướng, năm 2022 Hà Giang cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản, bảo vệ môi trường, cảnh quan gắn với phát triển du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là đối với các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, phát triển sản phẩm du lịch mới; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh lữ hành…
Thực tế, mặc dù cảnh sắc thiên nhiên của Hà Giang vô cùng tươi đẹp nhưng tại nhiều điểm tiếp đón khách du lịch - vấn đề vệ sinh môi trường vẫn chưa được xử lý tốt, việc thu gom rác thải chưa được thực hiện thường xuyên; đây đó, tại các điểm du khách thường dừng check in như Dốc Thẩm Mã, làng văn hoá du lịch Lũng Cẩm… thi thoảng vẫn có tình trạng các em nhỏ xin tiền, chèo kéo du khách.
Trước thực trạng này, một số doanh nghiệp đề xuất, cần mở thêm các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức du lịch cộng đồng cho các hộ gia đình tại các làng du lịch cộng đồng; mở rộng hình thức khai báo lưu trú online đối với các khách sạn, nhà nghỉ, homestay để thuận tiện và đảm bảo an toàn thích ứng với dịch bệnh Covid -19; chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; chú ý tới yếu tố tín ngưỡng bản địa, tránh xung đột văn hóa,…
Phụ nữ thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) ngồi thêu thổ cẩm bên hiên nhà |
Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của Hà Giang bởi những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang mong muốn các doanh nghiệp, cơ sở khẩn trương khắc phục khó khăn, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền tỉnh xây dựng Hà Giang trở thành điểm đến “an toàn, bản sắc, hấp dẫn”.
Cụ thể hơn, khi Việt Nam mở cửa đón khách du lịch Quốc tế trở lại, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch phải luôn sẵn sàng, chủ động, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón khách du lịch đến với Hà Giang, đảm bảo thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Song song với đó, tiếp tục có giải pháp thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến với Hà Giang nhằm xây dựng các khu dịch vụ du lịch quy mô lớn, trung tâm giải trí chất lượng cao. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, nhất là hướng dẫn viên du lịch là người địa phương, giữ gìn nét văn hóa bản sắc của địa phương; đảm bảo công trình phụ, nhà vệ sinh sạch sẽ, nguồn thực phẩm phục vụ khách du lịch an toàn, hợp vệ sinh; xây dựng nhãn mác cho các sản phẩm du lịch để nâng tầm giá trị cho hàng hóa…
“Những hoạt động này không chỉ để du lịch Hà Giang hồi phục, phát triển bền vững, mà hơn thế còn thực hiện mục tiêu lâu dài, đó là tăng tỷ lệ khách du lịch quay trở lại Hà Giang - không chỉ một lần mà là nhiều lần” – Phó Chủ tịch Trần Đức Quý nhấn mạnh.