Bình Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới Hòa Bình: Tận dụng tiềm năng, thế mạnh tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới |
Xín Mần là huyện vùng biên tỉnh Hà Giang. Mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực cũng như điều kiện, trình độ dân trí, tuy nhiên huyện Xín Mần lại có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện Xín Mần có 20 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh, còn lại đạt 3 sao.
Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Giang đã tạo ra sức hút lớn đối với người dân và du khách. (Ảnh: Hương Trà – baodantoc.vn) |
Bên cạnh việc gắn sao cho sản phẩm OCOP, công tác tìm đầu ra cũng được địa phương đặc biệt chú trọng. Các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện luôn duy trì hoạt động của các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các khu du lịch trọng điểm, các gian hàng để giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện đến với khách du lịch.
Theo đó, cùng với việc quảng bá sản phẩm OCOP theo phương thức truyền thống, Xín Mần cũng đang tập trung áp dụng công nghệ số đưa sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử và bước đầu đem lại hiệu quả rất cao.
Theo lãnh đạo địa phương này, hiện huyện đã có sàn thương mại điện tử để hỗ trợ cho các chủ thể OCOP trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu được thuận lợi.
Bên cạnh đó, để các sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển sau khi chấm điểm, cùng với quy hoạch hoạch vùng và phát triển sản phẩm đa dạng nhiều mẫu mã phù hợp lưu thông trên thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp ngoài huyện vào sản xuất và chế biến sâu về các sản phẩm có thế mạnh đến năm 2025 nhằm đưa ra thị trường ổn định và lâu dài.
Đồng thời, khuyến khích chủ thể có sản phẩm đạt OCOP chủ động tiếp cận công nghệ thông tin, hoàn thiện các yêu cầu cần thiết như: Tem truy xuất nguồn gốc, phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm, hóa đơn và mẫu mã, bao bì sản phẩm để khi đưa vào hệ thống siêu thị thu hút người tiêu dùng.
Cùng với huyện Xín Mần, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển thương mại trên địa bàn, thời gian qua, huyện Đồng Văn đang tăng cường đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Cụ thể, UBND huyện Đồng Văn đã rà soát, lựa chọn danh mục sản phẩm và doanh nghiệp, HTX có sản phẩm tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; đồng thời phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Hà Giang tổ chức lớp tập huấn vận hành gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử cho 7 HTX trên địa bàn nhằm quảng bá, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản địa phương.
Đồng thời, xây dựng 1 website chuyên quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện đến với đông đảo người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử. Nhờ đó, đến nay, nhiều nông sản của huyện như mật ong bạc hà, thịt khô, miến, gạo… đã và đang được tiêu thụ hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử, được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết đến.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, so với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các HTX, người kinh doanh, hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp các vùng miền đất nước, mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá. Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, cách thức tiêu thụ này rất phù hợp, mang lại hiệu quả cao.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ trong việc đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử, trong 2 ngày 22 và 23/9/2023, Sở Công Thương Hà Giang tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử năm 2023 với sự tham gia của hơn 100 HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Giang, Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên.
Theo đó, các HTX được truyền đạt những kiến thức cơ bản về chữ ký số từ xa; giải pháp hoá đơn điện tử; giải pháp tem vé thẻ điện tử; chứng thực hợp đồng điện tử; quy trình, cách khởi tạo gian hàng, đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng phát sinh; hướng dẫn cách chụp ảnh, quay video clip, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm, cách thức đóng gói, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm; các kỹ năng quảng bá, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản thông qua sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, lớp tập huấn cũng dành nhiều thời gian để thảo luận, hướng dẫn cài đặt phần mềm ứng dụng và tài khoản bán hàng trên điện thoại thông minh; thực hành cách thức lựa chọn sản phẩm nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP, kỹ năng bán hàng, liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua lớp tập huấn sẽ giúp cho các HTX, hộ kinh doanh trong tỉnh tiếp cận với công nghệ mới, thay đổi tư duy bán hàng, nhận biết lợi ích từ việc quảng bá sản phẩm, nông sản lên sàn thương mại điện tử. Từ đó, giải quyết đầu ra cho nông sản tỉnh Hà Giang thông qua giao dịch, mua bán trực tuyến trên sàn thương mại điện tử.
Đưa sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng lên sàn thương mại điện tử, Hà Giang đang từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, việc đưa sản phẩm nông nghiệp nói chung, các sản phẩm OCOP nói riêng lên sàn thương mại điện tử, cũng được các chủ thể OCOP, các đơn vị sản xuất, kinh doanh tại Hà Giang xác định sẽ tiếp tục mở rộng để việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi và đúng xu hướng.