Nhiều áp lực lên mặt bằng giá
Theo các ngành chuyên môn, có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trong đó, đối với mặt hàng thực phẩm, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khá phức tạp tại một số địa phương ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn và công tác tái đàn của người chăn nuôi.
Đồng thời, giá thức ăn chăn nuôi cao do nguyên liệu và phụ gia sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu. Tình hình mưa lũ thời gian qua kéo dài, gây thiệt hại diện tích lớn lúa, ngô và hoa màu của nhân dân, đặc biệt là tại các huyện như Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì… ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả mặt hàng lương thực. Việc thực hiện tăng lương cơ sở từ 1/7/2024 cũng khiến nhiều người tỏ ra lo ngại về việc giá cả hàng hóa sẽ tăng theo.
Người dân huyện Mèo Vạc phấn khởi đi mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi (Nguồn: Sở Công Thương Hà Giang) |
Bà Cao Thị Hải, cán bộ hưu trí, trú tại phường Trần Phú, TP. Hà Giang chia sẻ: Sau khi Chính phủ thực hiện nâng lương, giá cả một số mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo. Tôi khá lo lắng, vì sợ tăng lương nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng giá của hàng hóa, đặc biệt càng về những tháng cuối năm giá các mặt hàng thiết yếu thường có xu hướng tăng, nhất là lương thực, thực phẩm, xăng dầu.
Đại diện Sở Công Thương Hà Giang cho biết, tâm lý lo lắng của người dân là có cơ sở, tuy nhiên thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã cam kết bình ổn giá hàng hóa, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cần thiết như gạo, thịt lợn, thủy, hải sản,…
Bình ổn thị trường hàng hoá dịp cuối năm
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm sức mua của người dân tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Dự báo khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị phục vụ dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025 trên địa bàn sẽ theo kịch bản như mọi năm sẽ vẫn tăng.
Để đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, việc chuẩn bị nguồn hàng đã được các cấp, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Giang triển khai tích cực với yêu cầu kiểm soát chặt về chất lượng hàng hóa, đồng thời bảo đảm bình ổn giá thị trường.
Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Hà Giang phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức bám sát địa bàn, sẵn sàng xử lý hành vi gian dối trong hoạt động kinh doanh |
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm soát chặt về chất lượng hàng hóa, đồng thời bảo đảm bình ổn giá thị trường hàng hóa theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời, tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã có phương án hợp lý, bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường...
Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Theo dõi sát tình hình sản xuất, nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn và biến động giá các yếu tố đầu vào (như vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y) từ đó kịp thời điều hòa cung – cầu các mặt hàng để ổn định giá cả thị trường. Đặc biệt, tập trung hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tái đàn sau bệnh tả lợn châu Phi; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chú trọng sản xuất, cung ứng con giống chất lượng, đảm bảo tổng đàn lợn, gia cầm đáp ứng đủ nhu cầu trước mắt và lâu dài của địa phương.
Đồng thời, yêu cầu các ngành liên quan theo dõi sát giá vật liệu xây dựng, thường xuyên cập nhật biến động giá để kịp thời công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng, nhân công khi có sự thay đổi. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với các dịch vụ lưu trú, du lịch, kinh doanh vận tải, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịp cao điểm để tăng giá bất hợp lý. Ngành y tế theo dõi sát tình hình dịch bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế với giá hợp lý, đúng quy định, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nắm bắt tình hình, diễn biến về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả. Triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kiên quyết xử lý các trường hợp đầu cơ, ép giá, găm hàng, gian lận về giá để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.