Hà Giang đẩy mạnh chuyển đổi số Hà Giang công bố các Quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ Hà Giang: Thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành phát triển kinh tế |
Quan tâm phát triển hài hòa giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội
Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) tại Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Nghị quyết chú trọng quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực, động lực nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng. Quan tâm phát triển hài hòa giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội; tiếp tục tăng cường đầu tư cho phát triển văn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Xây dựng văn hóa Hà Giang gắn kết chặt chẽ với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến của thời đại, chú trọng sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Bồi dưỡng giá trị văn hóa tốt đẹp trong Nhân dân, nhất là đối với thanh niên, học sinh, sinh viên về lý tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam.
Hà Giang quan tâm phát triển hài hòa giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội (Ảnh minh họa) |
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng xác định, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Giang và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện về “Đức - Trí - Thể - Mỹ”, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển bền vững là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xóa bỏ các hủ tục
Hà Giang đặt mục tiêu tổng quát xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đi đôi với đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, giữ gìn bản sắc đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh trong giai đoạn 2024-2030, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền, địa bàn dân cư. Đa dạng hóa các loại hình sản phẩm và dịch vụ văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người có nhân cách và gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Tập trung đầu tư nguồn lực để phát triển toàn diện văn hóa. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu tạo ra các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa, con người Hà Giang; bảo đảm và tôn trọng các giá trị văn hóa của từng dân tộc; xây dựng và củng cố vành đai văn hóa biên cương. Phát triển đa dạng các loại hình văn học - nghệ thuật, phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Chủ động, tăng cường quảng bá, hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa.
Theo đó, tỉnh phấn đấu nâng chỉ số phát triển con người Hà Giang (HDI) đạt mức trung bình so với cả nước (0,8 điểm); 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú ở trung tâm các huyện có nhà đa năng và sân thể thao; xây dựng đề án bảo tồn tiếng nói và chữ viết của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; 100% các địa bàn trọng điểm về du lịch xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy chế quản lý kiến trúc truyền thống; hàng năm, phân bổ kinh phí cho văn hóa đạt 2% tổng chi ngân sách địa phương…
Phát huy đặc trưng của con người Hà Giang “Đoàn kết, thân thiện, nghĩa tình, bản sắc, sáng tạo và hội nhập”
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người; tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang. Xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện; nghiên cứu, xác định và cụ thể hóa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Giang. Phát huy đặc trưng của con người Hà Giang “Đoàn kết, thân thiện, nghĩa tình, bản sắc, sáng tạo và hội nhập”, xác định đây là nền tảng, động lực xây dựng tỉnh Hà Giang phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. Xây dựng văn hóa trong Đảng đảm bảo chuẩn mực “Đảng là đạo đức, là văn minh”. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải là hạt nhân đi đầu trong xây dựng văn hóa tại địa phương, cơ quan, đơn vị; là trung tâm đoàn kết, tấm gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Mỗi đảng viên, công chức, viên chức cần nhận thức rõ và thực hiện nghiêm chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Tăng cường bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và phát triển du lịch. Bảo tồn kiến trúc truyền thống, các công trình văn hoá, công trình lịch sử. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương…
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa, triển khai hiệu quả các chính sách về văn hóa, thường xuyên rà soát, đề xuất, bổ sung kịp thời chính sách mới phù hợp với điều kiện của tỉnh và tính chất đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chủ động, tăng cường quảng bá, hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; ngăn chặn sự tác động tiêu cực từ quá trình hội nhập về văn hóa, nhất là sự xâm nhập của những yếu tố không phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương, dân tộc. Nghiên cứu cơ chế thu hút các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế tư vấn phát triển văn hóa Hà Giang…