Hiệp hội Thương mại Dịch vụ Thâm Quyến mong muốn mở rộng đầu tư tại Bắc Ninh Thu hút đầu tư tại Bắc Ninh: Khó đảm bảo tiêu chí “2 ít 3 cao” |
Ngày 12/6, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6/2024. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, Bắc Ninh đã chủ động tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện chủ đề công tác năm 2024.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 2,32% so với cùng kỳ năm 2023 với nhiều tín hiệu tích cực ở cả 3 khu vực: GRDP khu vực công nghiệp tăng 1,6%, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 1,5%; GRDP khu vực dịch vụ tăng 5,62%, các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động; GRDP khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 2,65%, nhiều tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác.
Sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh có nhiều khởi sắc (Ảnh minh họa) |
Về thu hút FDI đứng thứ 3 cả nước, tăng gấp 2 lần về số dự án cấp mới; gấp 1,2 lần về số vốn đăng ký; thành lập mới doanh nghiệp tăng 6,5%. Tính đến cuối tháng 5, toàn tỉnh cấp mới đăng ký đầu tư cho 19 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng; 202 dự án đầu tư nước ngoài, tăng tới 95 dự án (tăng 88,8%) so với cùng kỳ và 660,9 triệu USD vốn đăng ký mới, tăng 127,6 triệu USD (tăng 23,9%).
Riêng trong tháng 5, cấp mới đăng ký đầu tư cho 45 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 110,13 triệu USD (trong đó có 1 dự án lớn của Singapore đầu tư vào ngành cho thuê nhà xưởng và kinh doanh bất động sản, với số vốn 65 triệu USD).
Ngoài ra, còn điều chỉnh vốn cho 70 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn điều chỉnh tăng 445,6 triệu USD (tăng 148,5 triệu USD so cùng kỳ năm trước). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tăng 0,98% so với tháng trước.
Đáng chú ý, hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc. Trong tháng 5/2025, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh tăng 13,11% so với tháng trước và tăng 27,11% so với cùng kỳ năm trước. Với việc tăng cao liên tiếp ở 3 tháng (tháng 3,4,5) đã đưa lũy kế 5 tháng đầu năm nay đạt mức tăng dương trở lại (+0,16%) so với cùng kỳ.
Nhận xét về hoạt động sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh, giới chuyên gia đánh giá, dù mức tăng còn thấp nhưng cho thấy tín hiệu tốt trong sản xuất công nghiệp của tỉnh. Việc công nghiệp của Bắc Ninh có dấu hiệu phát triển trở lại khẳng định sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương trong việc bám sát các chỉ thị, nghị quyết, Công điện của Chính phủ, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh triển khai đồng bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường hoạt động đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định hoạt động và phát triển sản xuất...
Nhờ đó, trong những tháng đầu năm nay, công tác cải cách hành chính ở Bắc Ninh tiếp tục được đẩy mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; nâng cao hiệu quả quản lý trong quy trình thực hiện thu thuế, khai, nộp thuế. Bắc Ninh xếp thứ 3 cả nước và đứng đầu vùng Đồng bằng Sông Hồng về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023.
Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được chú trọng; triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” đạt nhiều chuyển biến, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, bà Nguyễn Hương Giang- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều tín hiệu khởi sắc. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024 đã phát huy hiệu quả.
Nửa thời gian còn lại của năm 2024 tiếp tục dự báo có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do quy mô kinh tế của Bắc Ninh giảm sâu từ cuối 2023 với hoạt động sản xuất kinh doanh, một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là tiếp cận vốn; sản xuất công nghiệp phục hồi nhưng chưa vững chắc; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao; sức cầu của nền kinh tế phục hồi chưa mạnh… do đó các sở, ban, ngành của tỉnh cần đưa ra giải pháp kịp thời ứng phó với tình hình mới; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhất là về vay vốn và lãi suất đồng thời với việc tạo môi trường điều kiện giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, khả năng hấp thụ vốn hiệu quả.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu: Các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 theo quy định; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ 13 đồ án quy hoạch phân khu đã được thông qua và đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định 13 đồ án quy hoạch phân khu còn lại; tổ chức tổng kết 4 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019 - 2025.
Tiến hành tổng rà soát tất cả các bãi tập kết trên địa bàn tỉnh về quy hoạch, đất đai, môi trường; rà soát khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống; đảm bảo cấp nước an toàn trong mùa hè…
Các sở, ngành, địa phương của Bắc Ninh tiếp tục cụ thể hóa những đề xuất, khuyến nghị của chuyên gia, những khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để làm cơ sở bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại” vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. |