Grab Việt Nam thử nghiệm tính năng “Chuyến xe yên lặng” cho người dùng |
Thu phí theo kiểu dựa vào…thời tiết ?
Theo thông tin được hãng công nghệ Grab công bố, kể từ ngày 6/7, tại Hà Nội và TP HCM, Grab thu thêm phụ phí nắng nóng 5.000 với mỗi chuyến xe Grab Bike và mỗi đơn hàng Grab Food, Grab Mart. Còn với dịch vụ Grab Express là 3.000 đồng một đơn hàng.
Tại các thị trường khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế..., Grab phụ thu thời tiết nắng nóng với các dịch vụ Grab Bike và Grab Food đều là 5.000 đồng. Phụ phí sẽ được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe.
Theo giải thích của Grab, việc tăng phụ phí này nhằm hỗ trợ tài xế hoạt động trong thời tiết nắng nóng gay gắt, giảm phần nào vất vả cho tài xế.
Quả thật, Grab hết sức “nhạy cảm với thời tiết” và luôn đổ tại “ông trời” để nảy ra nhiều phụ phí nhằm móc túi khách hàng. Bởi đây không phải là lần đầu Grab đưa ra phụ phí để tăng giá cước vô tội vạ. Trước đó, Grab cũng đã đưa ra đủ loại phụ phí “trời ơi” như trời mưa, kẹt xe, phí chờ đợi…rồi đến giờ là do nắng nóng gay gắt. Thiết nghĩ, “nắng mưa là việc của trời” đâu phải riêng Grab chịu đâu mà hà cớ gì đòi thu tiền ?
Grab đang thu phụ phí nắng nóng khiến dư luận quan tâm |
Chắc hẳn, Grab khi đưa ra những phụ thu kiểu “trời ơi” thế này đã phải nghiên cứu rất kỹ và áp dụng triệt để cho Việt Nam. Bởi khí hậu nước ta được xem là nhiệt đới có nền nhiệt thay đổi theo mùa, nóng ẩm, mưa nhiều. Thời tiết thì luôn thất thường, lúc mưa, lúc nắng vì vậy, Grab đã vận dụng luôn sự “biến động của thời tiết” để móc túi khách hàng với danh nghĩa ủng hộ tài xế ? Chẳng nhẽ, vào trước mỗi ngày, Grab sẽ phải theo dõi chuyên mục “dự báo thời tiết” của các vùng, tỉnh trên cả nước để có thể điều chỉnh mức thu phụ phí nắng nóng gay gắt hay trời mưa. Thậm chí, có những địa phương phải chịu giông bão, sấm sét, Grab cũng sẽ tính đưa ra phí đi giữa trời “giông bão, sấm sét” hay sao ?
Không những thế, người dân vẫn không hiểu Grab dựa trên tiêu chí nào để ấn định nền nhiệt độ rồi thu tiền, trong khi thông báo của Grad đưa ra hoàn toàn không thể hiện được thời tiết bao nhiêu độ C là nắng nóng, thậm chí như thế nào là “nắng gay gắt” để thu phụ phí này. Chẳng hạn khách hàng đặt xe lúc nắng nóng nhưng đến một địa điểm khác thì trời mát hoặc đổ mưa thì sẽ tính phụ phí như thế nào, lẽ nào sẽ có khái niệm “phụ phí râm mát” ? Không lẽ cứ đặt xe là thu thì khác nào Grab đang “móc túi” khách hàng. Thật vô lý.
Cũng lạ lùng không kém là ngồi trên xe đi giữa trời nắng như thiêu như đốt trên đường phải chăng khách “nóng” hơn tài hay tài “nóng” hơn khách mà đẻ ra thứ phụ phí mang cái danh mơ hồ là phụ phí nắng nóng để vừa tận thu của khách, vừa lập lờ ăn chia đến từng đồng bạc lẻ. Nếu app Grab thực sự muốn giữ tài xe của mình, thực sự khẳng định tính nhân văn của một ứng dụng, sao không trực tiếp ra mặt hỗ trợ khách lẫn tài xe bằng việc điều chỉnh cơ chế ăn chia ngay chính những thời điểm nắng nóng cao điểm ?
Đừng đặt thêm gánh nặng lên vai khách hàng
Được biết, Grab đưa ra lý do để biện minh cho việc thu phụ phí nắng nóng gay gắt là để hỗ trợ tài xế. Lý do này tưởng chừng rất nhân văn song dù nhiệt độ có tăng hay giảm (trời mưa) thì lập tức phí Grab cũng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn lợi của Grab được “hưởng ké” từ thời tiết cũng không hề nhỏ. Thử làm một phép tính với mức thu từ 3.000 - 5.000 đồng/đơn hàng tùy địa phương tưởng chừng là nhỏ nhưng với vị thế chiếm lĩnh thị trường, có hàng vạn đơn hàng mỗi ngày thì con số này sẽ lên tiền tỉ chứ không ít.
Bởi, thực tế số tiền phụ phí này tài xế không nhận hoàn toàn. Trong thông báo của Grab đưa ra, tiền phụ phí tăng thêm sẽ được cộng dồn vào giá cước, mỗi chuyến xe sẽ được tăng thêm 5.000 đồng/chuyến. Hãng phân chia lại theo tỉ lệ chiết khấu là 7:3. Một anh bạn tài xế cũng đã phải chua chát chia sẻ: Nếu như chạy chuyến xe trước đây 95.000 đồng, theo tỉ lệ ăn chia 7:3, Grab sẽ nhận khoảng 28.500 đồng. Giờ cuốc xe sẽ được cộng thêm 5.000 đồng, giá cước từ 95.000 đồng lên 100.000 đồng, Grab hưởng gần 30.000 đồng. Như vậy, gọi là phụ phí nắng nóng hỗ trợ tài xế nhưng thực chất số tiền các lái xe được hưởng tiền chênh là rất ít so với trước khi có phụ phí. Trong khi, Grab không phải hứng chịu sự thay đổi “đổng đảnh” của thời tiết vẫn được hưởng lợi số tiền từ thu tiền nắng nóng còn mọi chi phí tài xế và khách hàng gánh hết.
Grab đừng đặt thêm gánh nặng lên vai khách hàng |
Đến đây, chúng ta có thực sự tin vào cái ‘tâm trong sáng” của Grab khi nghĩ về tài xế hay Grab vẫn hay gọi cho sang là “đối tác” hay không ? Nếu thật sự nghĩ về cánh tài xế, Grab cũng còn nhiều sự lựa chọn để làm cho “đối tác” của mình gắn bó dài lâu bằng việc lập ra những quỹ phúc lợi để trao lại những yêu thương. Có làm được như vậy mới thấy được cái tình của Grab đối xử với đối tác, chứ cứ nói thương tài xế trên truyền thông, báo chí mà đằng sau là đi móc túi khách hàng theo kiểu tận thu để hưởng lợi có cả phần của công ty Grab thì không ổn, đâu còn là văn minh...Thậm chí là bóc lột thêm sức lao động của tài xế. Thiết nghĩ, Grab không nên viện cớ vì “ông trời thế này, thế nọ” để tăng thêm phụ phí có phần vô lý để hưởng lợi trên mồ hôi của tài xế là không sòng phẳng với khách hàng và đối tác.
Trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, các hãng đặt xe công nghệ đang “trăm hoa đua nở”, xuất hiện ngày càng nhiều. Khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn, với cách hành xử có phần vô lý của Grab thế này, liệu người Việt Nam còn sẽ còn “nghĩ ngay tới Grab” khi có nhu cầu nữa không hay chuyển sang dịch vụ khác. Lúc ấy, người chịu thiệt trước tiên là tài xế và Grab cũng không nằm ngoài cuộc.
Những năm qua, không khó để nhận thấy, Grab đã chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam, thậm chí đánh bại được cả các hãng xe truyền thống. Đáng nhẽ ra, Grab cần phải bày tỏ lời cảm ơn tới cơ chế quản lý thông thoáng của Nhà nước Việt Nam, sự tin tưởng của khách hàng bằng những chính sách tri ân cụ thể. Đằng này, khi đã nắm được thị trường lại “đẻ” ra những chính sách vô lý thì thật là khó chấp nhận.
Có thể, “gã khổng lồ ngạo nghễ” Grab lúc này đang cho rằng mình đã thống lĩnh được thị trường và việc gia tăng phụ phí nắng nóng là quan hệ “thuận mua vừa bán”. Tuy nhiên, trong khi người tiêu dùng cũng gánh chịu chi phí tăng cao, với sứ mệnh “vì cộng đồng” như Grab đã đặt ra thì có lẽ phía ứng dụng gọi xe cần chia sẻ bằng cách giảm phần nào tỉ lệ chiết khấu đối với tài xế, bớt các loại thu phụ phí. Đây là điều mà công ty đứng đầu thị trường vận chuyển công nghệ nên làm.
Bên cạnh đó, việc đẻ thêm các loại phí để tăng giá cước của doanh nghiệp trong giai đoạn này, đặc biệt với trường hợp khi Grab đã chiếm lĩnh được phần đông thị trường thì cần phải được cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra với những khoản tăng không minh bạch, có dấu hiệu trục lợi. Không những thế còn có dấu hiệu của việc cạnh tranh không lành mạnh.
Xét về góc độ pháp lý, các hãng xe công nghệ muốn thu phụ phí phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, vì đây là vấn đề liên quan đến người tiêu dùng nên phải được cơ quan chức năng cho phép. Cũng bởi, theo Nghị định 126 của Chính phủ quy định về phí và lệ phí, khi đưa ra các loại phí phải thông báo rõ ràng đến người tiêu dùng, để họ thực hiện quyền lựa chọn có hoặc không tham gia.
Cũng chẳng phải đợi đến lúc nắng nóng cao điểm như lúc này, nhiều ý kiến phản ứng về cung cách của Grab đã từng được phản ánh đến tai các cơ quan quản lý. Nhiều tiếng nói không ít lần yêu cầu Grab chia sẻ thêm chiết khấu với tài xế mới là thực sự góp sức cho thị trường. Bởi nếu Grab thực sự lấy chiết khấu từ các phí phụ thu họ đưa ra, mà không trả hết phụ phí này cho tài xế, thì nên chăng các cơ quan chức năng cần xem xét lại phương án quản lý. Theo đó có thể đưa giá cước Grab vào diện kê khai niêm yết như taxi truyền thống và tuyến cố định để bảo vệ người tiêu dùng và tài xe. Nhưng có vẻ như câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng sẽ vẫn còn xa vắng và cái thứ phụ phí được "đẻ" ra giữa mùa nóng kia lại như thêm một tiền lệ được chắp cánh để thách đố.
Trong bài học xây dựng và bảo vệ thương hiệu tiếng thơm của doanh nghiệp phải được “vun đắp” bằng những giá trị chinh phục được khách hàng, ghi dấu sâu đậm trong tiềm thức chứ không phải đi ngược lại quyền lợi của số đông khách hàng như cách mà Grab đang làm. Người Việt Nam luôn trọng nghĩa, trọng tình, hòa ái và hiếu khách nhưng không phải là những con người dễ “bắt nạt”. Sự thất thế của Uber để lại bài học đắt giá về thấu hiểu bản địa trong môi trường toàn cầu hóa mạnh mẽ, hơn ai hết Grab là người hiểu rõ hơn ai hết. Vì vậy, Grab đừng vì lợi ích nhỏ mà để người Việt phải quay lưng lại với chính mình. Ở trên đỉnh vinh quang, nếu Grab lợi dụng ưu thế độc quyền để tăng giá, bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng thì sẽ có những “đại dương xanh” cho những người biết tận dụng ưu thế bản địa.
Nói như Thomas Friedman (tác giả cuốn Thế giới phẳng) trích lời từ một ngạn ngữ châu Phi, trong thời kì toàn cầu hóa mỗi sáng thức dậy bạn đều phải chạy đua, dù là linh dương hay sư tử. Người tiêu dùng, trong mọi trường hợp, sẽ luôn được hưởng lợi từ môi trường cạnh tranh náo nhiệt như vậy. Còn những người “cơ hội”, mãi ngạo nghễ vì cái lợi riêng mình thì chẳng khác nào tát nước theo mưa móc túi dân nghèo.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cần sớm vào cuộc chấn chỉnh hiện tượng trên.