Thái Nguyên: Sản xuất công nghiệp khởi sắc đầu năm Công nghiệp chế biến, chế tạo: Động lực chính tạo khởi sắc cho xuất khẩu Doanh nghiệp sản xuất “sáng đèn” xuyên Tết |
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Xuất khẩu - một trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế
Hiện chúng ta đang tập trung tối đa vào 3 trụ cột lớn cho sự phát triển kinh tế gồm: Đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội |
Trong đó, Chính phủ đang rất nỗ lực, cố gắng, quyết tâm trong việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm về giao thông. Khi giao thông đã thông thương thì các hoạt động khác sẽ đạt được kỳ vọng. Cùng với đó, có rất nhiều các giải pháp được đưa ra để kích cầu nội địa, tăng cầu tiêu dùng và xuất khẩu cũng đã có những dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, để duy trì tốc độ xuất khẩu, cần tập trung vào các thị trường mũi nhọn, kết hợp với mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Đồng thời, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước, nhằm giúp cho các doanh nghiệp có thể triển khai các hoạt động một cách tốt nhất và tự tin khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Mặt khác, tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại với các nước mở rộng quan hệ hợp tác, nâng đối tác chiến lược, từ chiến lược lên chiến lược toàn diện… Đây cũng là giải pháp để chúng ta mở rộng thị trường xuất khẩu. Với những giải pháp này, tôi cho rằng, trụ cột xuất khẩu sẽ tăng trưởng như kỳ vọng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành - đoàn Thái Nguyên: Kỳ vọng từ nông sản và công nghiệp chế biến, chế tạo
Năm 2024, xuất khẩu Việt Nam dự báo sẽ khởi sắc cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Trong đó, xuất khẩu nông sản trở thành điểm sáng mang nhiều kỳ vọng nhờ những kết quả bứt phá trong năm 2023.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành - đoàn Thái Nguyên |
Cùng với đó, công nghiệp cũng có những điểm sáng nhất định, đặc biệt liên quan đến các ngành chế biến chế tạo, công nghiệp bán dẫn… là các ngành thị trường thế giới rất quan tâm và chúng ta đã có những định hướng phát triển cho những lĩnh vực này.
Trong giai đoạn sắp tới, phát triển các lĩnh vực điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là một yêu cầu cấp thiết, đặc biệt khi thế giới và Việt Nam chuyển sang xây dựng xã hội số, chuyển đổi số, kinh tế số. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến chế tạo là ngành đòi hỏi có công nghệ, kỹ thuật cao nên cần có những đầu tư phù hợp, nhất là cần có chính sách ưu đãi, có trọng tâm, trọng điểm thúc đẩy hơn nữa các ngành công nghiệp nền tảng như ngành cơ khí phát triển.
Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cũng đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia, bắt buộc các ngành công nghiệp trong nước phải có những thay đổi phù hợp với xu thế chung, đáp ứng các hàng rào kỹ thuật của các nước để có thể giữ vững được các đơn hàng cũng như mở rộng được thị trường.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương: Bộ Công Thương rất nỗ lực, nhạy bén trong công tác quản lý, điều hành
Bộ Công Thương là Bộ quản lý kinh tế đa ngành, với nhiều lĩnh vực có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống hàng ngày của xã hội. Do vậy, tất yếu hoạt động điều hành của Bộ Công Thương đều rất được cử tri và nhân dân rất quan tâm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương |
Cá nhân tôi đánh giá, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực, nhạy bén trong công tác quản lý, điều hành, nắm bắt tốt những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, dự liệu chính xác cả khó khăn và thuận lợi. Từ đó, góp phần cùng các bộ, ngành khác tham mưu kịp thời cho Chính phủ ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, theo mục tiêu của Quốc hội đề ra.
Thực tiễn, trong bối cảnh suy giảm tổng cầu toàn thế giới, địa chính trị diễn biến phức tạp và nhiều khó khăn chưa có tiền lệ như năm 2023 vừa qua, Bộ Công Thương đã góp phần tích cực cùng cả hệ thống chính trị trong việc bình ổn kinh tế vĩ mô của đất nước, tạo đà cho năm 2024.
Tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã nêu nhiệm vụ: Tập trung phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn, để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, đưa ra chỉ tiêu, phấn đấu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%.
Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, tôi cho rằng, cần phải quan tâm tới việc đào tạo và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện còn rất thiếu so với nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê, nguồn nhân lực trong ngành công nghệ thông tin mới chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số lao động. Đồng thời, tập trung nâng cao năng suất lao động, trong đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong sản xuất kinh doanh.