6 tháng đầu năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 1,81% là nỗ lực đáng ghi nhận khi nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Song, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn có những dấu hiệu khá tiêu cực thời gian tới. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Các chương trình hỗ trợ giúp doanh nghiệp ứng phó tình hình mới |
Kết quả GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra, nhưng vẫn tăng trưởng dương. Trong bối cảnh dịch bệnh hầu như “đốn hạ” các nền kinh tế lớn toàn cầu, chúng ta vẫn tự hào với mức tăng trưởng trên, bởi có rất nhiều quốc gia có nền kinh tế, sản xuất hiện đại nhưng GDP tăng trưởng âm. Đây là kết quả của những nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Về dự báo vẫn còn chỉ dấu tiêu cực, theo tôi, chưa chắc chắn, bởi chúng ta phải trải qua chu kỳ kinh doanh tính từ khi dịch xuất hiện, ít nhất trong 15 ngày. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nên nhận diện tình hình dịch Covid-19 ở góc độ sẽ gây ra những bất lợi hơn đối với sản xuất, kinh doanh, lưu thông thị trường hàng hóa.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam |
Với những diễn biến mới của dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, theo ông, các bộ, ngành và doanh nghiệp cần có những hành động gì để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng?
Đà Nẵng hiện đang áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt, bản thân từng người dân, doanh nghiệp phải tuân thủ các khuyến nghị về phòng, chống dịch bệnh. Đối phó với tình trạng này, trước hết, doanh nghiệp cần có những chính sách, giải pháp bảo vệ người lao động, do đây là nguồn lực quan trọng để duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã có chính sách hỗ trợ lực lượng yếu thế như gói tài chính cho vay không lãi suất, thông qua doanh nghiệp để triển khai, đồng nghĩa với gián tiếp giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, hỗ trợ duy trì hoạt động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải nắm rõ tình hình thực tế thị trường trước dịch bệnh để có quyết định cẩn trọng trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, doanh nghiệp phải bám sát, nắm thông tin dự báo từ các bộ, ngành, định hướng của Chính phủ để chọn chiến lược, kế sách hành động phù hợp cho ngắn hạn và trung hạn. Đặc biệt, khi các hoạt động giao thương trên thế giới đang bị gián đoạn do dịch bệnh, việc đẩy nhanh chuyển đổi số rất quan trọng, doanh nghiệp cần quan tâm, đầu tư. Đây là yếu tố làm thay đổi mạnh mẽ về khả năng quản lý, vận hành doanh nghiệp cũng như cách thức để duy trì, phát triển quan hệ của doanh nghiệp với khách hàng. Không những thế, chuyển đổi số kịp thời là cách để doanh nghiệp thực hiện các tương thích với dịch vụ công mà Chính phủ đang triển khai và thực hiện dịch vụ công với các nước mà chúng ta có hiệp định thương mại tự do.
Như ông cho biết, Chính phủ đã có những gói hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Vậy, trước tình hình hiện nay, liệu có cần gói kích thích mạnh mẽ hơn để nâng đỡ nền kinh tế và các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ quan trọng và hiệu quả. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nếu tiếp tục đưa ra các gói kích thích mới hơi vội vàng, sẽ dẫn tới các chồng lấn về triển khai chính sách. Điều cần làm lúc này là quan sát diễn biến của dịch, công tác phòng, chống dịch, diễn biến các thị trường của Việt Nam, cũng như thói quen, xu hướng tiêu dùng trong thị trường. Từ đó, có tính toán, chiến lược ứng phó phù hợp.
Thời gian tới, Chính phủ cần nghiên cứu thêm gói kích thích kinh tế đặc biệt mang tính dài hơi và hành động cụ thể, trợ lực cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Mặt khác, trong hoàn cảnh khó khăn này, Chính phủ cần truyền cảm hứng nhiều hơn cho doanh nghiệp, người dân.
Về phía Hiệp hội, chúng tôi đang tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ, giúp doanh nghiệp ứng phó tình hình mới, như: Tư vấn cho doanh nghiệp một số cách ứng xử khi gặp khó khăn, thách thức trong đàm phán, thực hiện đơn hàng; cung cấp dự báo thị trường, tài chính; tiếp nhận nhanh các thông tin khó khăn từ doanh nghiệp để kịp thời có những tư vấn, đề xuất lên Chính phủ sớm tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!