Tạm giữ, hoãn xuất cảnh hàng loạt cá nhân có liên quan
Ngày 1/5, tại Công ty TNHH gỗ Bình Minh (thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) để xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Vụ nổ khiến 6 công nhân tử vong và 5 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xác định là lỗi kỹ thuật của lò hơi.
Hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Vũ Hội |
Liên quan đến vụ việc trên, sáng 4/5/2024, tại Hội nghị giao ban kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 tỉnh Đồng Nai, Thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Feng Yong, quốc tịch Trung Quốc là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất gỗ Bình Minh (Công ty gỗ Bình Minh).
Đồng thời, đơn vị này cũng đang ra lệnh tạm hoãn xuất nhập cảnh với 7 trường hợp là người nước ngoài để phục vụ công tác điều tra.
Ngoài ra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, đối với các thiết bị như lò hơi, doanh nghiệp muốn đưa vào hoạt động phục vụ sản xuất phải được sự chấp thuận của Sở. Thiết bị này phải trải qua các yêu cầu kiểm định rất nghiêm ngặt trước khi vận hành.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh chưa đăng ký sử dụng thiết bị an toàn lao động, chưa có các giấy tờ kiểm định lò hơi và không thực hiện những quy định trên.
Lỗi của ai người sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Lưu Xuân Hoàn, Công Ty Luật TNHH Trường Phú phân tích, tại tiểu mục 6.1 Mục 6 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01:2008/BLĐTBXH được ban hành theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/1/2008 quy định, tất cả các nồi hơi, bình chịu áp lực thuộc đối tượng áp dụng của Quy chuẩn này trước khi đưa vào sử dụng phải làm thủ tục kiểm định, đăng ký theo quy định hiện hành của Nhà nước. Đồng thời tại tiểu mục 5.1 Mục 5 của Quy chuẩn cũng quy định về trách nhiệm của người quản lý sử dụng nồi hơi, trách nhiệm của người vận hành nồi hơi.
Luật sư Hoàn cho rằng, Cơ quan Điều tra tỉnh Đồng Nai cần xác minh, làm rõ trách nhiệm đối với từng cá nhân liên quan, xem xét đến yếu tố lỗi của người sử dụng lao động, người quản lý vận hành lò hơi, nếu các cá nhân có lỗi trong công tác quản lý, vận hành lò hơi thì các cá nhân này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người được quy định tại điều 295 Bộ Luật Hình sự 2015. Theo đó khung hình phạt cao nhất mà các cá nhân vi phạm phải chịu có thể lên tới 12 năm tù. Đồng thời, các cá nhân vi phạm phải có nghĩa vụ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân vụ nổ.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại tai nạn lao động đối với người có lỗi hoặc đối với doanh nghiệp trên, Luật sư Hoàn cho biết, theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định rõ, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
"Nếu cơ quan chức năng xác định được nạn nhân trong vụ nổ lò hơi thuộc trường hợp tai nạn lao động thì theo Điều 38 Luật này, dù cho lỗi thuộc về bên nào thì người sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm bồi thường đối với người lao động. Nếu hồ sơ điều tra vụ việc cho thấy có lỗi do người sử dụng lao động không tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn lao động thì cơ quan có chức năng quản lý, giám sát trên địa bàn xảy ra vụ việc cũng phải chịu trách nhiệm liên đới", Luật sư Hoàn phân tích.
Các cá nhân để xảy ra vụ tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động - (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Luật sư Hoàn cho biết thêm, sau khi có kết luận của cơ quan chức năng liên quan đến yếu tố lỗi, mức độ suy giảm khả năng lao động, nguyên nhân xảy ra tai nạn sẽ xác định mức bồi thường.
"Theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau: Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% - 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% - 80%; Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp", Luật sư Hoàn trích dẫn.
Ngoài ra, người sử dụng lao động phải trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại Khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng. Nếu người lao động đủ điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động theo Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì sẽ được trợ cấp tùy theo suy giảm khả năng lao động, cụ thể suy giảm khả năng lao động từ 5% - 30% thì được hưởng trợ cấp một lần, và từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Đối với người lao động không may tử vong, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.