Tháng 9, các dự án giao thông phấn đấu "tiêu" hơn 7.400 tỷ đồng Đại biểu Quốc hội nói gì về gỡ khó khai thác mỏ khoáng sản làm đường giao thông? |
Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cả nước đã huy động tối đa các nguồn vốn Trung ương, địa phương, các nguồn vốn hợp pháp khác tập trung thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là hạ tầng giao thông. Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án và dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không còn lại là các dự án đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải chủ trì phiên họp. Ảnh Nhật Bắc |
Tại Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo, tiếp đó có 3 công điện để thúc đẩy triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các nhiệm vụ, chủ động công việc, giải quyết có thời hạn, không đùn đẩy trách nhiệm, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thực hiện các dự án, nhất là về giải phóng mặt bằng, cấp mỏ vật liệu xây dựng thông thường và tiến độ triển khai các dự án.
Từ Phiên họp thứ 7 đến nay, đã khởi công và khánh thành 3 dự án đường bộ cao tốc gồm: khởi công tuyến đường bộ cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (đoạn qua tỉnh Tuyên Quang); khánh thành 2 dự án đường bộ cao tốc Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu. Cùng với đó, chuẩn bị triển khai một số dự án khác và xây dựng một số cơ chế chính sách để giải quyết khó khăn, vướng mắc trình Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại Phiên họp thứ 8, Ban Chỉ đạo tập trung rà soát, nắm bắt tình hình; đề xuất các giải pháp thúc đẩy các dự án và triển khai các dự án mới; đồng thời rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo cơ chế thông thoáng không chỉ cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia mà cho cả các công trình dự án khác trong thời gian tới.
Trong đó, các đại biểu tiếp tục tập trung xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, cấp mỏ vật liệu xây dựng thông thường; công tác chuẩn bị đầu tư, việc hướng dẫn các địa phương trong chuyển mục đích sử dụng đất rừng, áp dụng giá vật liệu xây dựng; các báo cáo tiền khả thi, khả thi các dự án mới; việc sắp xếp, chuẩn bị vốn; công tác nghiên cứu, sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới; tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Thủ tướng đề nghị các địa phương, cơ quan, nhà tư vấn, nhà thầu phản ánh về thủ tục mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án, tiến độ bàn giao mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư như các dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Gia Nghĩa-Chơn Thành, Hữu Nghị-Chi Lăng, Hòa Bình-Mộc Châu, Tân Phú-Bảo Lộc…; các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo báo cáo việc chuyển mục đích sử dụng rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu xây dựng tại mỏ của Bộ Xây dựng; thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; vốn ODA cho các dự án đường sắt đô thị của Bộ Tài chính; nghiên cứu sử dụng cát biển và cung ứng vật liệu của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường; chuyển mục đích sử dụng đất…
Do thời gian có hạn, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, đóng góp ý kiến, đi thẳng vào vấn đề, đề xuất các phương án, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ở địa phương để chỉ đạo, nắm bắt tình hình. Tinh thần là Chính phủ sẽ tập trung phân cấp, ủy quyền, đồng thời phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp, từ đó mới trưởng thành. Chúng ta sẽ phải căn cứ vào các quy định hiện hành để hướng dẫn, kiểm tra. Không có dự án, công trình cụ thể thì không thể trưởng thành. Cho nên, phải giao việc, phân bổ nguồn lực, đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra.
Thủ tướng cho rằng, cũng cần phải đổi mới việc quản lý các công trình giao thông, kể cả đường cao tốc sau khi hoàn thành cho các địa phương. Hiện nay, trên cả nước có nhiều tuyến đường hoàn thành thì phải giao địa phương quản lý để phát huy tính chủ động, sáng tạo, kịp thời.
Nhấn mạnh “đường nào cũng là đường của đất nước”, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, khi Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được ban hành thì sẽ quy định vốn ngân sách nhà nước bao gồm cả ngân sách Trung ương và địa phương. Không nên nghĩ “Trung ương chỉ làm đường quốc lộ, địa phương làm tỉnh lộ”.
Những điều gì còn vướng mắc, chưa phù hợp thực tiễn thì chúng ta phải sửa luật. Ngân sách địa phương cũng là ngân sách Trung ương phân bổ xuống, do đó “ai làm tốt nhất thì giao người đó làm”.
Vừa qua, việc giao một số địa phương làm cho thấy hiệu quả tốt. Thực tiễn chứng minh là đúng thì cần phải làm. Vấn đề này qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phải rút kinh nghiệm, tại sao có nơi làm tốt, chưa làm tốt, nguyên nhân tại sao để từ đó rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội, tìm ra cách làm đúng; tổng kết, đưa vào luật, quy định của Nhà nước. Vấn đề gì chưa chín, chưa rõ, thì phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần.
Ngày 10/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung thêm 10 công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải gồm: Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; Dự án đường bộ cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; Dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; Dự án đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành; Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; Dự án đường bộ cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh. |