Đoàn công tác Trung ương vừa có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Cần Thơ là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, là trọng điểm về kinh tế của vùng Tây Nam bộ, có vai trò dẫn dắt rất lớn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Chính phủ |
Thời gian qua, Thành ủy Cần Thơ đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chương trình hành động thực hiện trên tất cả các lĩnh vực để triển khai. Theo đó, kinh tế - xã hội của thành phố cơ bản ổn định và phát triển. Giai đoạn 2021-2023, GRDP của Cần Thơ bình quân đạt 5,91%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng từ 91.590 tỷ đồng năm 2021 lên 107.781 tỷ đồng năm 2022 và ước đến cuối năm 2023 đạt 118.872 tỷ đồng, gấp 10,2 lần so năm 2004. GRDP bình quân đầu người ước đến cuối năm 2023 đạt 94,52 triệu đồng, gấp 9,2 lần so năm 2004. Năng suất lao động tăng qua các năm (năm 2021 là 162,7 triệu đồng/lao động; ước năm 2023 là 194,6 triệu đồng/lao động); tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2023 đều tăng qua các năm (năm 2021 tăng 25,4%, năm 2022 tăng 16,9%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, báo cáo của Cần Thơ đã nêu khá đầy đủ về việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nêu rõ những kết quả tích cực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực đạt được; đánh giá các hạn chế, nguyên nhân, đồng thời nêu ra những nhiệm vụ, giải pháp thành phố cần thực hiện trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng đề nghị, TP. Cần Thơ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người và phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, trong đó có đường giao thông và cảng biển,… Đồng thời, đề nghị TP. Cần Thơ tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, nguồn lực, cân nhắc để xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế để thành phố phát triển.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho ý kiến đối với một số kiến nghị của TP. Cần Thơ về đầu tư xây dựng cảng để trung chuyển hàng hóa, giải quyết điểm nghẽn cho cả vùng (trong đó có nội dung liên quan đến cửa Định An và kênh Quan Chánh Bố).
Đặc biệt, đối với chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn là chuỗi dự án phát triển, khai thác và vận chuyển khí từ các mỏ khí thượng nguồn đến các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn. Dự án đường ống dẫn khí được xây dựng từ năm 2009, là dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí, song quá trình triển khai các chuỗi dự án liên quan bị chậm trễ, kéo dài.
Đối với những việc tồn đọng, vướng mắc liên quan đến chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn (đã phê duyệt từ năm 2016), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Chính phủ rất quan tâm đến chuỗi dự án này. Trước đây do chưa có sự thống nhất giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nên việc triển khai dự án bị ảnh hưởng, chậm trễ.
Theo đó, phải quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn, thực hiện thủ tục đầu tư, thủ tục pháp lý và các cơ chế vận hành đối với chuỗi dự án điện - khí Lô B (bao gồm các dự án thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn) để sớm triển khai thực hiện đồng bộ, đưa vào khai thác sử dụng, góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho khu vực; đồng thời, hỗ trợ có ý kiến sớm khởi công các Nhà máy Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV.
Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt để xử lý toàn diện vấn đề. Hiện đã cơ bản giao xong cho chủ đầu tư là PVN, chỉ còn "một đoạn nữa" là đảm bảo khí, sản lượng điện, giá, thời gian khai thác phù hợp để ký hợp đồng và triển khai thông suốt.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình để báo cáo Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo kịp thời. Nếu thực hiện thành công chuỗi dự án này sẽ tạo thêm động lực giúp Cần Thơ tăng trưởng.