Doanh nghiệp cho thuê tài chính: Bi hài thu hồi nợ, tài sản Có nên cho thuê tài chính bằng ngoại tệ? |
Hội thảo "Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển cho thuê tài chính ở Việt Nam” do Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 17/7/2023 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, với một nền kinh tế năng động, hơn 800 ngàn doanh nghiệp, hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp… nên nhu cầu về vốn, nhất là vốn trung dài hạn rất cao, đồng thời là tiềm năng rất hứa hẹn cho thị trường cho thuê tài chính.
Tuy nhiên thị trường cho thuê tài chính Việt Nam mới có khoảng 10 công ty cho thuê tài chính đăng ký, còn hoạt động dư nợ cung cấp cho khách hàng trong nền kinh tế đạt gần 40 nghìn tỷ đồng (theo con số tổng hợp của 8 công ty thành viên và liên kết trong Hiệp hội Cho thuê tài chính) và chỉ chiếm 0,33% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Quang cảnh hội thảo |
Đáng chú ý doanh nghiệp và người dân biết đến kênh cho thuê tài chính chưa nhiều trong khi tại nhiều nền kinh tế, cho thuê tài chính là kênh hỗ trợ vốn trung dài hạn có rất nhiều ưu việt cho các doanh nghiệp và hộ dân, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi đi thuê tài chính, khách hàng không phải thế chấp tài sản, giá trị đi thuê có thể lên tới 100% giá trị tài sản.
Ý kiến các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, để có hành lang pháp lý phù hợp phát triển hoạt động cho thuê tài chính tại Việt Nam trước tiên cần có định nghĩa phù hợp về cho thuê tài chính (có thể thực hiện cùng với việc sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng).
Bởi công ty cho thuê tài chính thực chất chính là các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi và ngành này cần được quản lý và thúc đẩy phát triển khác với các định chế tài chính nhận tiền gửi chính là các ngân hàng hiện nay. Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu Việt Nam đã có nhìn nhận đúng đắn về vai trò của ngành này trong nền kinh tế không.
Đồng thời cần có quy định cụ thể rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên; tích hợp trong khung giao dịch bảo đảm; xử lý hiệu quả tài sản cho thuê; đảm bảo quyền mạnh mẽ của bên cho thuê theo Luật Phá sản, gồm quyền ưu tiên, tự động phong tỏa và đưa vào tài sản phá sản.
Về giao dịch bảo đảm, các chuyên gia nhấn mạnh cần quy định đầy đủ về cho thuê tài chính khuôn khổ giao dịch bảo đảm, liên quan đến việc bảo vệ bên cho thuê trước thách thức của bên thứ 3. Trước mắt, Bộ Tư pháp nên soạn thảo Nghị định về cho thuê tài chính điều chỉnh các vấn đề liên quan. Về lâu dài, cần có Luật cho thuê tài chính riêng, đặc biệt tối thiểu cũng cần đến một mục riêng và rõ ràng về cho thuê tài chính trong Bộ Luật Dân sự.