Mở đường xuất khẩu nông sản qua Ga đường sắt Đồng Đăng Các cửa khẩu tại Lạng Sơn thông quan hàng hóa trở lại |
Hạ tầng chưa tương xứng với tiềm năng
Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng (Ga Đồng Đăng), thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn có diện tích khoảng 56.000 m2, được xây dựng từ những năm 1990. Đây là ga quan trọng kết nối với Trung Quốc và là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Đồng Đăng.
Chính vì điểm kết nối quan trọng như vậy, nên Ga Đồng Đăng được xem là cửa khẩu liên vận tiềm năng. Thế nhưng, kết quả đạt được vẫn khá khiêm tốn so với tiềm năng của tuyến đường sắt này.
Cụ thể, thời gian gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua Ga Đồng Đăng không phát sinh nhiều loại hình, số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn chưa thật sự lớn và có sự trồi sụt. Năm 2018, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua đây đạt 93,8 triệu USD, đến năm 2022 đạt trên 289,5 triệu USD và đến năm 2023 đạt 136 triệu USD.
Hạ tầng của Ga Đồng Đăng chưa tương xứng với tiềm năng |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt kiêm Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng cho biết, mặt hàng nhập khẩu qua Ga Đồng Đăng chủ yếu sắt, thép, hóa chất và hàng xuất khẩu là nông, lâm, thủy sản.
Hiện tại số lượng hàng nông sản, hoa quả đi qua Ga Đồng Đăng ít hơn vì đây là đường chính ngạch, mức thuế đóng sẽ cao hơn, trong khi cùng mặt hàng đó nếu đi đường tiểu ngạch thì chi phí thuế sẽ ít hơn. Bên cạnh đó, vận chuyển đường sắt chỉ phù hợp với mặt hàng xuất khẩu có khối lượng lớn, quãng đường xa trên 500 km.
Một nguyên nhân nổi bật khác nữa khiến khách hàng "thờ ơ" với đường sắt là những vướng mắc về cơ sở hạ tầng. Đơn cử như địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được xây dựng rất lâu năm, dẫn đến xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, năng lực xếp dỡ, giải phóng toa xe còn chậm và hạn chế. Việc bố trí toa tàu phải phụ thuộc, không có sẵn. Hệ thống đường bộ kết nối đến kho hàng và bãi hàng còn thiếu…
Tập trung gỡ "nút thắt"
Mới đây (ngày 23/2/2024), UBND tỉnh Lạng Sơn và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Đường Sắt Việt Nam) đã họp để trao đổi các giải pháp triển khai hiệu quả Công điện số 13/CĐ-TTg, ngày 6/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Theo đó, Đường sắt Việt Nam đề nghị tỉnh Lạng Sơn ban hành các chính sách hỗ trợ và tuyên truyền cho các doanh nghiệp tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa qua tuyến đường sắt và quá cảnh sang nước thứ 3. Đồng thời cần trao đổi với phía Quảng Tây (Trung Quốc) về chính sách thuế nhập khẩu chính ngạch hàng hóa nông, lâm, thủy sản đi bằng đường sắt.
Bên cạnh đó, vấn đề về đền bù, giải phóng mặt bằng cần được đẩy nhanh tiến độ để sớm bàn giao cho nhà thầu triển khai các hạng mục của dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục kho bãi hóa trường. Qua đó, cải thiện hoạt động vận hàng của Ga Đồng Đăng, nâng cao năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tập trung cải tạo, nâng cấp hạ tầng Ga Đồng Đăng (Ảnh: HN) |
Đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả Ga Đồng Đăng, ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các sở, ngành liên quan của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đến các doanh nghiệp nắm được các chủ trương và tăng cường hoạt động giao thương hàng hóa bằng đường sắt qua cửa khẩu Ga Đồng Đăng.
Các ngành chức năng của tỉnh cần nghiên cứu, trao đổi với các cơ quan chức năng của Quảng Tây, Trung Quốc về chính sách thuế nhập khẩu chính ngạch hàng hóa nông, lâm, thủy sản đi bằng đường sắt.
Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Lạng Sơn yêu cầu, huyện Cao Lộc cần tiếp tục phối hợp với cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục trong khu vực Ga Đồng Đăng.
Tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Đường sắt Việt Nam sớm nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng thành tuyến đường sắt tốc độ cao; quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng Ga Đồng Đăng; sớm đồng bộ hệ thống toa tàu container chạy đông lạnh để phục vụ vận chuyển hàng nông sản, hoa quả tươi…
Trước đó, khoảng giữa năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục kho bãi hóa trường trong khu vực ga Đồng Đăng.
Được biết, dự án này sẽ làm lại toàn bộ mặt bằng bãi, cải tạo khá nhiều hạng mục, đầu tư mới thêm 2 đường để thực hiện xếp, dỡ hàng hóa và xây dựng kho bãi khoảng 1.000 m2, cải tạo lại toàn bộ hệ thống kho cũ, xây nhà điều hành...
Theo dự kiến, sau khi cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, năng lực xuất nhập khẩu qua Ga Đồng Đăng sẽ được nâng lên. Hiện nay, khả năng vận chuyển của ga đáp ứng khoảng 1,5 triệu tấn/năm, nếu hoàn thiện xong hạ tầng có thể nâng lên 2,5 triệu tấn/năm.
Theo ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt kiêm Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, Dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục kho bãi hóa trường trong khu vực Ga Đồng Đăng đang được gấp rút hoàn hiện. Hiện nay nhà đầu tư đang xây dựng kho, bãi hàng. Tuy nhiên, một số công trình chưa hoàn thành do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Trong thời gian tới, khi vấn đề giải phóng mặt bằng được xử lý xong, các hạng mục còn lại sẽ được hoàn tất để đưa vào vận hành. |