Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện những cơ hội và thách thức đối với thị trường bất động sản Việt Nam trước những đổi mới về cơ chế chính sách, từ đó, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới hiện nay. Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức.
Quang cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đi sâu phân tích, đánh giá những thay đổi lớn về pháp lý và chính sách tác động đến thị trường bất động sản Việt Nam, tập trung xem xét tác động của những đổi mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024, Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2024 và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) năm 2023.
Đồng thời làm rõ thay đổi về hành vi của các chủ thể tham gia thị trường bất động sản, dự báo xu hướng điều chỉnh của một số phân mảng thị trường bất động sản cụ thể (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản nông nghiệp…) khi có những điều chỉnh về mặt pháp luật và bối cảnh mới của nền kinh tế trong nước và quốc tế.
Trên cơ sở đó, đề xuất các quy định và chính sách cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) năm 2024, thực hiện hiệu quả các đề án lớn của Chính phủ nhằm khôi phục và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam bền vững trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân Phạm Hồng Chương nêu rõ, tháng 11/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) năm 2023, Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023 và đầu năm 2024, Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 cũng đã được thông qua, sớm có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, đã góp phần hoàn thiện những "mảnh ghép" cuối cùng trong "bức tranh" pháp lý cho thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản có cơ sở để kỳ vọng vào một viễn cảnh phục hồi theo nhận định của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Phạm Hồng Chương |
"Thị trường bất động sản có cơ sở để kỳ vọng vào một viễn cảnh phục hồi theo hướng bền vững hơn, khi khung pháp lý quan trọng được mở ra với nhiều quy định và cơ chế chính sách tác động đến thị trường và các chủ thể tham gia trên thị trường bất động sản", ông Phạm Hồng Chương nói.
Theo ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Luật Đất đai năm 2024 được hoàn thiện với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, trong đó Luật đã bổ sung quy định về sử dụng đất kết hợp đa mục đích; bổ sung, hoàn thiện hơn các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, tạo khung pháp lý về quản lý, sử dụng đất đầy đủ, toàn diện hơn nhằm khơi thông, giải phóng nguồn lực đất đai, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây cũng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững như kỳ vọng và mong muốn của Nhà nước và mỗi người dân.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia có chung nhận định, bộ 3 Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã giúp hạn chế bớt tính không đồng bộ của các luật. Đặc biệt, 3 luật này có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu đã góp phần tạo động lực tích cực, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản sẽ phát triển đồng bộ hơn trong thời gian tới |
Hiện, các doanh nghiệp phát triển dự án đang phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết những "nút thắt" về pháp lý cho các dự án, từ đó, tạo điều kiện cho dòng tiền từ các khoản đáo hạn ngân hàng tiếp tục đổ vào bất động sản.
Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp thêm thông tin cho các đề xuất về cơ chế, chính sách cụ thể kịp thời để thực hiện các đề án lớn của Chính phủ trong phát triển thị trường bất động sản; đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng ban hành văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.