Giữa tâm dịch Covid-19: Công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng khá
Tin hoạt động 02/03/2020 18:44
Không chủ quan trước những nguy cơ tiềm ẩn
Báo cáo Thường trực Chính phủ về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở cả trong và ngoài nước, đại diện Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ 13/2 đến nay, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc bệnh nào. Bên cạnh đó, chúng ta đã loại trừ 1.593 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh và hiện đang theo dõi, cách ly 115 trường hợp nghi ngờ khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua là một tin mừng, tuy nhiên chúng ta không được chủ quan, lơ là trước những nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh |
Về tình hình cách ly đối với những người đã tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, đại diện Bộ Y tế cho biết hiện cả nước có 10.089 người đang theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó 156 người cách ly tập trung tại bênh viện; 4.810 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 5.123 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh tại Hàn Quốc và số người Việt Nam từ Hàn Quốc về nước và người Hàn Quốc đến Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã thống nhất mức cảnh báo đối với Hàn Quốc, Iran, Italy - là quốc gia nằm trong vùng dịch; đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế đi đến các quốc gia này và thực hiện cách ly người nhập cảnh từ các quốc gia này 14 ngày theo quy định.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc 17 ngày qua nước ta chưa có ca nhiễm mới nào là một tin vui. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, lây lan 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, ở nhiều nước, dịch có tốc độ lây lan cao, tử vong nhanh.
“Nước ta có tiến bộ đáng mừng trong phòng chống dịch nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại” – Thủ tướng yêu cầu, cần tiếp tục hành động với tinh thần khẩn cấp và kiên quyết, không được lơ là nhưng cũng không để sợ hãi ảnh hưởng đến tâm lý người dân, xã hội.
Thủ tướng chỉ rõ, chúng ta có thể phải tiếp tục hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ thương hiệu Việt Nam, một đất nước an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra khắp các châu lục.
Công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu tăng trưởng khá
Tại cuộc họp, báo cáo Thường trực Chính phủ về hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất, nhập khẩu hàng hoá trong điều kiện xảy ra dịch Covid-19 thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, trong 2 tháng đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn song hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn tăng trưởng. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 2 tháng đạt 74 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Đây là nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An: Dù chịu tác động bất lợi từ dịch Covid-19, song các lĩnh vưc công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá trong 2 tháng đầu năm |
Về tình hình thị trường trong nước, Thứ trưởng Đặng Hoàng An báo cáo, theo thông lệ thì 2 tháng đầu năm nhu cầu thị trường thường không cao, trong khi đó, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã làm hạn chế các hoạt động du lịch, lễ hội… kéo theo sức mua giảm. Tuy nhiên trong 2 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ của cả nước vẫn đạt mức tăng trưởng 8,5%, cho thấy nội lực và sức tiêu thụ trong nước vẫn duy trì ở mức khá.
Thứ trưởng khẳng định có được kết quả này là nỗ lực của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, các địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo cung – cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện quyết liệt công tác chống găm hàng, tăng giá. “Chỉ riêng các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch (khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn – PV), từ ngày 31/1 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý trên 5,4 nghìn vụ” – Thứ trưởng An nêu số liệu và cho biết thêm, bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cũng đã thực hiện tốt công tác chống xuất lậu các mặt hàng chống dịch qua biên giới.
Về tình hình sản xuất công nghiệp, 2 tháng đầu năm đạt tăng trưởng 6,2%. Đây là tỷ lệ tăng trưởng khá trong điều kiện các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng lo lắng, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì vấn đề nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất sẽ rất khó khăn.
Để hạn chế tình trạng trên, nhất là thiếu nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, hiện hệ thống Thương vụ Việt Nam tại tất cả các quốc gia đang tập trung tìm kiếm nguồn. Bên cạnh đó, các hoạt động tái cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam cũng đang được các cơ quan xúc tiến thương mại đẩy mạnh.
Hiện nay, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 giao cho Bộ Công Thương, Bộ Y tế triển khai các giải pháp đảm bảo sản xuất khẩu trang y tế và các loại khẩu trang thông thường khác. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất khẩu trang y tế, Bộ Công Thương và Bộ Y tế đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp tìm nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác ngoài Trung Quốc. Trong khi đó, với các loại khẩu trang khác (khẩu trang vải thường và vải kháng khuẩn), Bộ Công Thương đã làm việc với Hiệp hội Dệt may, Tập đoàn Dệt may để có kế hoạch sản xuất. “Hơn 10 đơn vị tham gia sản xuất, đều đã đảm bảo hợp quy, hợp chuẩn và đến nay đã cung ứng ra thị trường trên 11 triệu khẩu trang vải có tính năng kháng khuẩn” – Thứ trưởng Đặng Hoàng An báo cáo, trình độ công nghệ trong nước hoàn toàn đáp ứng yêu cầu xử lý kháng khuẩn và kháng nước đối với loại vải sản xuất khẩu trang.
“Đặc biệt, các doanh nghiệp sẵn sàng cung ứng sản phẩm khẩu trang ra thị trường với giá thành hợp lý và cơ bản là thực hiện theo phương thức phi lợi nhuận” – Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định.