Năm 2024, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp sẽ “hot”? Những cổ phiếu tiềm năng trong năm 2024 nằm ở nhóm ngành nào? |
Trong năm qua, thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn khi đã phải cắt lỗ sản phẩm, thậm chí chiết khấu đến 50% nhưng giao dịch vẫn không thành công.
Theo dữ liệu Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thanh khoản bất động sản trong năm 2023 cũng khá khiêm tốn. Cụ thể, quý I có 2.700 giao dịch thành công, quý II cũng ở mức 3.700 giao dịch…
Trước những khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp đã cơ cấu lại doanh nghiệp, tài chính để “chèo lái” con thuyền đi qua khó khăn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn phải cắt giảm lương, thưởng của lãnh đạo. Do đó, mức lương của các lãnh đạo tại các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng có sự chênh lệch khá lớn.
Tại Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR), trong năm 2023, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phát Đạt chỉ nhận mức thù lao gần 2 tỷ đồng, giảm tới 6 lần so với mức thu nhập gần 12 tỷ đồng nhận được ở năm 2022. Đây cũng là lãnh đạo bị giảm lương nhiều nhất trong Ban điều hành của Phát Đạt năm qua.
Trong khi đó, Tổng giám đốc PDR Bùi Quang Anh Vũ lại là người có mức thù lao cao nhất với hơn 5,6 tỷ đồng (gần 470 triệu đồng/tháng). Đáng chú ý, mức lương của ông Vũ cũng đã giảm gần 30% so với năm liền trước.
Trong năm qua, thu nhập của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, Kế toán trưởng và Người phụ trách quản trị tại PDR giảm hơn 90% so với cùng kỳ.
Mức lương của nhiều lãnh đạo bất động sản có sự thay đổi lớn (ảnh minh họa) |
Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG), mức lương của các vị trí "chóp bu" cũng có sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, mức lương chi trả cho Tổng giám đốc Bùi Ngọc Đức giảm hơn 30%, còn gần 2,8 tỷ đồng, tương đương mỗi tháng hơn 233 triệu đồng.
Bên cạnh đó, DXG chi trả quỹ lương cho các thành viên quản lý khác hơn 9,5 tỷ đồng, giảm 43% so với năm 2022. Đáng chú ý, trong năm qua, tập đoàn bất động sản này đã cắt giảm hơn 1.300 nhân sự.
Năm 2023, mức lương của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp; DIG) cũng ở mức khá cao. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn được nhận 1,95 tỷ đồng (hơn 160 triệu đồng/tháng). Lãnh đạo DIG nhận mức lương cao thứ 2 là Phó Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường, đạt gần 1,5 tỷ đồng (125 triệu đồng/tháng).
Tại Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (HPX), thu nhập của Chủ tịch Đỗ Quý Hải chỉ đạt 600 triệu đồng/năm (giảm 50% so với năm trước đó). Trung bình mỗi tháng ông Hải nhận được 50 triệu đồng.
Ở chiều ngược ngược lại, Tổng giám đốc của HPX là ông Đoàn Hòa Thuận thu nhập 1,97 tỷ đồng/năm (tăng 65%).
Năm 2023, Chủ tịch Tập đoàn Novaland (NVL) - Bùi Thành Nhơn nhận mức lương 1,1 tỷ đồng, tương đương khoảng 100 triệu đồng/tháng. Năm trước đó (năm 2022), mức lương của ông Nhơn chỉ đạt hơn 60 triệu đồng thù lao. Như vậy, thù lao của ông đã tăng hơn 10% so với năm trước.
Tại Tập đoàn Nam Long (NLG), các lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc này vẫn duy trì mức lương ổn định so với cùng kỳ. Trong đó, Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang là người có thu nhập cao nhất với 5,14 tỷ đồng (428 triệu đồng/tháng). Tiếp đó là Phó chủ tịch Trần Thanh Phong với mức thu nhập 4,23 tỷ đồng (gần 353 triệu đồng/tháng).