Người lãnh đạo cần biết trọng danh dự, giữ liêm sỉ Nâng cao hơn nữa vị trí vai trò, vị thế của Đảng bộ Khối trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng |
Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sống còn, quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Nguyên tắc này cần tiếp tục được giữ gìn, phát huy để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, văn minh.
Thực tiễn 94 năm hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc cốt lõi, là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng, là việc làm thường xuyên của tất cả cán bộ, đảng viên. Công tác tự phê bình và phê bình phải đảm bảo tính đảng; tính giáo dục; khách quan trung thực, chân thành, công khai; cụ thể, thiết thực, kịp thời nhằm phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
Tự phê bình và phê bình - Nguyên tắc sống còn của Đảng
Ngay từ khi thành lập tổ chức cộng sản quốc tế đầu tiên, các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra rằng: tự phê bình và phê bình là rất cần thiết cho hoạt động và sự phát triển của đảng, là thuộc tính bản chất của một đảng cách mạng. V.I.Lênin khẳng định “Nếu một chính đảng nào mà không dám nói thật bệnh tật của mình ra, không dám chẩn đoán bệnh một cách thẳng tay, và tìm phương cứu chữa bệnh đó, thì đảng đó sẽ không xứng đáng được người ta tôn trọng” [1].
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sống còn của Đảng. Phê bình và tự phê bình cốt yếu là để tăng cường tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, chứ không phải lợi dụng phê bình và tự phê bình để đấu đá, hạ bệ nhau, làm ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết nội bộ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Người từng dạy: “Ta có hai cách để thực hiện thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là phê bình và tự phê bình”.
Vận dụng linh hoạt và sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Điều lệ Đảng quy định: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” [2].
Như vậy, tự phê bình và phê bình được xác định là nguyên tắc sống còn của Đảng. Trong các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII, Kết luận số 21-KL/TW, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đều quan tâm, coi trọng, đề ra nhiều giải pháp để duy trì, giữ vững và phát huy vai trò tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh sự tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô có nguyên nhân chủ yếu do từ bỏ vũ khí chiến đấu là nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Điều đó càng khẳng định tự phê bình và phê bình thực sự là nguyên tắc sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nhìn thẳng vào thực trạng công tác tự phê bình và phê bình hiện nay
Trong thời gian qua, công tác tự phê bình và phê bình trong cả nước nói chung, ngành Công Thương nói riêng đã có những bước chuyển biến tích cực, nghiêm túc và chất lượng ngày càng được nâng lên; cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, tầm quan trọng và tự giác hơn trong công tác tự phê bình và phê bình.Việc khắc phục, sửa chữa khuyết định sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên được quan tâm thực hiện tốt hơn. Qua đó, góp phần phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; từng bước củng cố, xây dựng Đảng vững mạnh.
Thực tiễn cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác tự phê bình và phê bình hiện nay. Có nơi có lúc, một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của tự phê bình và phê bình, chưa tự giác hoặc có thực hiện cũng chỉ là hình thức, qua loa, chiếu lệ; còn che giấu, chưa mạnh dạn tự soi, tự sửa, tự nhận khuyết điểm, sai lầm của mình, còn tâm lý thích được khen hơn là bị chê.
Tình trạng nể nang, xuề xòa, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý vẫn còn diễn ra, cấp dưới không dám phê bình cấp trên; lợi dụng tự phê bình và phê bình để trù dập nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Đó là những biểu hiện suy thoái nếu không phát hiện, chấn chỉnh kịp thời thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy tình trạng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm nghiêm trọng, bị phát hiện và xử lý kể cả xử lý hình sự có chiều hướng gia tăng; cốt lõi cũng từ việc chưa thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ chi bộ. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cần rút ra để có giải pháp thiết thực nâng chất công tác tự phê bình và phê bình trong thời gian tới.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay cũng đã chỉ rõ “Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát” [3].
Một sự thật cần thẳng thắn nhìn nhận đó là sự thiếu trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên; chưa nêu gương, chưa quan tâm, chưa có giải pháp gợi mở, gợi ý nội dung để đảng viên làm tốt công tác tự phê bình và phê bình; chưa đánh giá đúng thực chất của công tác này gắn với kiểm điểm, xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân. Thậm chí, chưa có giải pháp triệt để khắc phục đến nơi đến chốn khuyết điểm, hạn chế đã được chỉ ra trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình dẫn đến khuyết điểm vẫn cứ tồn tại mãi mà vẫn không khắc phục được.
Làm thế nào để giữ vững nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng
Để tự phê bình và phê bình thực sự trở thành vũ khí sắc bén trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhất là trong nội bộ ngành Công Thương không phải là việc dễ vì thực tế nó đụng chạm đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức đảng. Do đó, phải hết sức khéo léo, thận trọng, có giải pháp thiết thực, cụ thể, sát hợp để giữ vững nguyên tắc tự phê bình và phê bình ngay từ trong sinh hoạt chi bộ.
Để làm được điều đó, trước hết từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải hiểu đúng về mục đích của tự phê bình và phê bình: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người” [4].
Từng cấp ủy, tổ chức đảng phải nêu gương trong việc chủ động lựa chọn, gợi ý, gợi mở, phát huy dân chủ, tạo điều kiện nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình; nội dung này phải được chuẩn bị thống nhất trong sinh hoạt cấp ủy trước khi tổ chức sinh hoạt chi bộ; gắn công tác này với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hàng năm đúng thực chất.
Từng cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy cần phát huy hơn nữa tính tiên phong, gương mẫu; tự giác, chủ động, tích cực tự phê bình, nhìn nhận khuyết điểm, tự soi, tự sửa như rửa mặt hàng ngày và thẳng thắn phê bình giúp đồng chí, đồng nghiệp mình thấy được thiếu sót để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Đặc biệt, cấp trên phải tự phê bình trước, cấp dưới mạnh dạn phê bình cấp trên; không che giấu, thờ lơ, vô cảm, có biểu hiện cơ hội, thực dụng trong tự phê bình và phê bình. Điều quan trọng nữa là cần tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát, theo dõi thường xuyên việc sửa chữa khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình; có cơ chế bảo vệ đảng viên dám nói, dám làm. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm liên đới của người đứng đầu nếu phát hiện cán bộ, đảng viên trong đơn vị vi phạm, bị xử lý.
Đảng muốn mạnh thì phải biết khai thác, giữ vững nguyên tắc hoạt động, sử dụng hiệu quả vũ khí sắc bén của Đảng là tự phê bình và phê bình nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài; tạo được chuyển biến cơ bản trong nhận thức và hành động của từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, xem đây là việc làm, thói quen thường ngày nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
----------------------------------------
[1] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 8, tr.366.
[2] Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần II (Đại hội X, XI, XII), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 518.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.24.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập. NXBCTQG. Hà Nội 2002, tập 5, tr. 232.