Tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, năm 2016, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa chịu nhiều tác động từ cơ chế, chính sách của cả Việt Nam và Trung Quốc về quản lý biên giới, trao đổi thương mại biên giới... Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN), sự vào cuộc tích cực của chính quyền Quảng Ninh với hỗ trợ của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách… nên kết quả XNK hàng hóa qua các cửa khẩu Quảng Ninh vẫn đạt được kết quả khả quan.
Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, trong năm 2016, có 962 DN cả nước hoạt động XNK qua địa bàn (tăng 7% so với 2015), với tổng trị giá hàng hóa XNK ước đạt 14,55 tỷ USD, tăng 47,5% so năm 2015. Trong đó, giá trị XNK trực tiếp 5,47 tỷ USD, tăng 3% so với 2015; hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan khoảng 9,08 tỷ USD, tăng tới 99,6% so với năm 2015.
Tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, hoạt động XNK hàng hóa năm 2016 cũng diễn ra sôi động và tăng khá, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Theo đánh giá của Sở Công Thương Lạng Sơn, các DN XNK qua địa bàn đã phát huy tốt kinh nghiệm tổ chức kinh doanh với thị trường Trung Quốc. Năm qua, DN của cả Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp, chủ động mở rộng thị trường và đẩy mạnh trao đổi hàng hóa.
Năm 2016, kim ngạch tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan ở Quảng Ninh tăng tới 99% so với năm 2015. Tại Lào Cai, tuy XNK suy giảm nhưng riêng kim ngạch tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan vẫn tăng 13% so với năm 2015. |
Nhu cầu về các mặt hàng nông, lâm sản từ Việt Nam để làm nguyên liệu sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc rất lớn. Các DN XK Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội đẩy mạnh XK các mặt hàng này. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2016, tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn trên 3,4 tỷ USD, trong đó riêng XK đạt gần 2 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2015 (nhập khẩu giảm 27%). Một số mặt hàng XK được giá, lượng XK tăng cao, như quả thanh long, nhãn, chôm chôm, sắn lát, tinh bột sắn, đồ gỗ mỹ nghệ... Tỷ trọng XK các mặt hàng nông, lâm thủy sản chiếm 40% tổng giá trị kim ngạch XK hàng hóa qua địa bàn Lạng Sơn.
Ngược lại với Quảng Ninh và Lạng Sơn, năm 2016, XNK hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai suy giảm. Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua Lào Cai chỉ đạt khoảng 1,94 tỷ USD, giảm 11,8% so với năm 2015. Trong đó, XK ước đạt 335,6 triệu USD, giảm 22,9%; NK đạt khoảng 518,8 triệu USD, giảm 34,6%; trao đổi hàng hóa cư dân biên giới đạt khoảng 25 triệu USD, giảm 59,1%. Tuy nhiên, kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan qua Lào Cai vẫn đạt khoảng 1,06 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2015.
Giá trị XNK hàng hóa qua Lào Cai năm 2016 suy giảm do có tới 50% các mặt hàng chủ lực đi qua các cửa khẩu phụ, lối mở, nhưng không ổn định, riêng 4 tháng đầu năm 2016 gần như “đóng băng” do Trung Quốc siết quản lý biên mậu. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa XNK cũng đã bắt đầu thay đổi theo hướng giảm các mặt hàng có kim ngạch và khối lượng lớn như gạo, cao su, đường kính...; giảm các mặt hàng nhập khẩu chủ lực như hợp kim Fero, phân bón... XK gạo qua Lào Cai giảm bởi năm 2016 XK gạo cả nước nhìn chung gặp nhiều khó khăn. XK cao su sang Trung Quốc của cả nước đạt kết quả khá tốt, nhưng qua Lào Cai lại giảm do các DN đang có xu hướng XK theo đường chính ngạch. Với mặt hàng đường, do Trung Quốc siết quản lý biên mậu, đồng thời giá đường Việt Nam cao hơn đường của Lào, Thái Lan..., nên các DN có xu hướng chuyển sang tạm nhập tái xuất đường thay vì XK đường sản xuất trong nước.
Năm 2017, Sở Công Thương Lào Cai sẽ tham mưu cho chính quyền tỉnh xây dựng Đề án Đẩy mạnh XNK hàng hóa qua cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu; đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục cho phép Lào Cai triển khai thí điểm XK nông sản, tái xuất đường kính qua các cửa khẩu phụ: Bản Quẩn, Na Lốc, Lũng Pô và tạm nhập hợp kim qua cửa khẩu phụ Bản Vược...