Đây là chia sẻ của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: Kết quả, bài học và định hướng 2021-2025” vừa diễn ra tại Hà Nội
Tại hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bà Nguyễn Minh Thảo cho biết: Nỗ lực cải cách về điều kiện kinh doanh đạt những kết quả đáng khích lệ. Đến hết năm 2019, cắt giảm hơn 50% số điều kiện kinh doanh có quy định chung chung, can thiệp sâu và hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi.
Cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) thời gian qua cũng đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, giảm 12.600 mặt hàng phải thực hiện quản lý, KTCN.
Trên nhiều lĩnh vực, các quy định về KTCN đang từng bước áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm, miễn kiểm tra). Hầu hết các thủ tục về quản lý chất lượng được chuyển sang giai đoạn sau thông quan; thành phần hồ sơ và thời gian thực hiện thủ tục KTCN được rút ngắn đáng kể. Đến nay, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 207/250 thủ tục. Dù vậy, nhìn chung những thay đổi tích cực trong quản lý, KTCN vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp.
“Số lượng văn bản nhiều, gây khó khăn, lúng túng cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật và áp dụng” - bà Thảo chỉ rõ.
Bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, nâng cao chất lượng kinh doanh vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện. Hiện vẫn còn điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, thực tiễn thực thi và cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh còn hạn chế.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tuy ngắn gọn, Nghị quyết 02 năm 2021 của Chính phủ bổ sung thêm 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất, cần giải quyết các vướng mắc, bất cập tạo ra đối với doanh nghiệp, người dân do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Thứ hai, là chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ ba, thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững: Đầu tư kinh doanh bền vững, chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
TS. Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng CIEM - nhìn nhận, từ quá trình cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2014 - 2020, chúng ta có nhiều kinh nghiệm và bài học giúp việc đề xuất các chính sách, giải pháp có hiệu quả hơn.
“Các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi; rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi lại, nếu quyết tâm và các nỗ lực cải cách không tiếp tục thường xuyên và đủ mạnh”- TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý.
Về cơ bản, các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ. |