Choáng ngợp chương trình khai mạc Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 Ngăn chặn nạn “chặt chém” du khách, không để ùn tắc giao thông dịp giỗ Tổ Hùng Vương |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về ngày lễ lớn này của đất nước.
Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của truyền thống Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng?
Trong lòng mỗi người dân Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là thời khắc linh thiêng để chúng ta cảm nhận sâu sắc nhất về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, giá trị đoàn kết mà cha ông ta đã để lại, kết tinh tinh thần sức mạnh chung cho cả đất nước, giúp dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi khó khăn. Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm nhằm giáo dục đạo lý truyền thống biết ơn tổ tiên, trở thành nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cội nguồn. Giỗ Tổ Hùng Vương và những ngày còn lại trong năm, hàng triệu lượt người hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng niệm Hùng Vương, nhớ ơn công lao tổ tiên trong dựng nước và giữ nước.
Theo tôi, có lẽ hiếm một dân tộc nào trên thế giới, tổ tiên chung lại có ý nghĩa lớn lao và được thực hành kính cẩn, trang trọng đến như vậy. Chúng ta đều nhận thức rõ, văn hóa người Việt được đặc trưng bởi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và sự thăng hoa của tín ngưỡng ấy ở tầm quốc gia chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Không phải ngẫu nhiên mà trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân ở Đền Hùng và nói một câu truyền cảm hứng cho cả dân tộc về lòng yêu nước và trách nhiệm với đất nước: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời hiệu triệu từ con tim ấy cùng với nghĩa đồng bào được vang lên từ buổi đọc Tuyên ngôn độc lập của Bác “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” chính là thông điệp quan trọng để tạo nên tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của mỗi người dân đất Việt.
Năm 2012, UNESCO đã công nhận giá trị di sản văn hóa thế giới cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Theo ông, sự kiện này đã khẳng định các giá trị văn hóa dân tộc, củng cố sức mạnh Việt Nam như thế nào?
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc, đó là “sợi chỉ đỏ” tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc - đất nước trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và đất nước.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |
Năm 2012, UNESCO công nhận giá trị di sản văn hóa thế giới cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã khẳng định tầm quan trọng trong việc tôn vinh tổ tiên, khẳng định giá trị văn hóa của dân tộc, từ đó củng cố sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới. Việc ghi danh tín ngưỡng giúp chúng ta nâng cao nhận thức về tầm quan trọng thờ cúng Hùng Vương ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế ở các làng, xã, không chỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở núi Nghĩa Lĩnh.
Là thư ký Đề án xây dựng hồ sơ quốc gia “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, ông có kỷ niệm đáng nhớ nào về quá trình thực hiện hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương?
Vào ngày 6/4/2010, UBND tỉnh Phú Thọ làm việc với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam chính thức lần đầu tiên về các thủ tục tiến hành thực hiện hồ sơ. Trong cuộc họp, bà Nguyễn Thị Kim Hải (lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh) tỏ rõ sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc đưa tín ngưỡng và lễ hội Hùng Vương vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây chính là nguồn động lực động viên tiếp thêm sức mạnh và sự tự tin cho chúng tôi, những người trực tiếp xây dựng bộ hồ sơ.
Dù đã thực hiện 3 hồ sơ trước đó, những người trong ban soạn thảo hồ sơ vẫn thực sự lo lắng. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với chúng tôi là, các hồ sơ khác có thể trục trặc, thậm chí thất bại, nhưng với hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chắc chắn phải được công nhận ngay trong lần đăng ký đầu tiên. Về việc thực hiện hồ sơ, ý thức rõ được tầm quan trọng, các đồng nghiệp của tôi đã dốc toàn bộ tâm sức để thực hiện các phần việc được giao. Chính sự dấn thân, hy sinh thầm lặng của những người đi nghiên cứu điền dã này đã làm nên chất lượng và đảm bảo thời gian cho bộ hồ sơ trình UNESCO. Công tác vận động cho hồ sơ cũng được thực hiện rất tốt. Những chuyến đi vận động theo các cuộc họp của UNESCO tại Kenya, Indonesia hay Pháp thực sự là những cuộc ngoại giao khéo léo để tạo sự quan tâm, ủng hộ của bạn bè quốc tế với hồ sơ quan trọng này.
Vì một số lý do, tôi không thể cùng đoàn công tác sang họp hội nghị liên chính phủ xét công nhận hồ sơ ở Paris (Pháp) được. Dù đã biết hồ sơ nhận được sự đánh giá tốt từ Ban thư ký và việc công nhận hồ sơ có thể chỉ là câu chuyện thời gian và thủ tục, nhưng ngay từ đêm ngày 5/12/2012, cũng như bao người quan tâm đến hồ sơ, tôi thức đến hơn 23h đêm để chờ tin mừng, xong không tin tức gì về hồ sơ được thông báo trên truyền hình! Không một cuộc điện thoại hay tin nhắn của anh, chị, em trong đoàn gửi về! Đêm đó, với tôi là một đêm rất dài. Hội nghị liên chính phủ xét công nhận hồ sơ bước sang ngày hôm sau (6/12/2012), chúng tôi tiếp tục trải qua những giây phút hồi hộp, căng thẳng nhất trước diễn biến phức tạp của các hồ sơ của Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Bỉ, Séc, Pháp, hồ sơ đa quốc gia của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Oman, rồi Venezuela. Khi đến hồ sơ Tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương, chúng tôi đã trải qua giây phút im lặng, căng thẳng nhất, nhưng rồi cũng đã vỡ òa hạnh phúc khi hồ sơ được hội nghị thông qua nhanh chóng.
Nhìn lại sau hơn 10 năm ghi danh di sản thế giới của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ông có đánh giá gì về công tác bảo tồn, tôn vinh giá trị của tổ tiên, dân tộc?
Sau 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được ghi danh di sản tế giới, đánh giá lại nỗ lực của chúng ta trong việc tôn vinh giá trị tổ tiên, dân tộc mình, chúng ta nhận thấy rằng, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành để thực hiện thành công rất nhiều việc. Cộng đồng đã tiến hành phục hồi những diễn xướng dân gian liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương đã mai một, thất truyền; phục dựng một số không gian thờ cúng Hùng Vương ở một số làng, xã với sự hỗ trợ củanhà nước. Các nghi thức, diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng, xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục được sưu tầm, nghiên cứu; các văn bia, thần tích, sắc phong, lệnh chỉ liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng đã được sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ; hoạt động quảng bá giá trị của tín ngưỡng được thực hiện khá bài bản và thực sự đã phát huy hiệu quả truyền thông... Tất cả giúp cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào việc giữ gìn và phát huy tốt nhất giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung, Lễ hội Đền Hùng nói riêng trong đời sống xã hội đương đại và tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 diễn ra từ ngày 20 - 29/4/2023 được tỉnh Phú Thọ tổ chức với chuỗi hoạt động, trong đó, phần lễ đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần hội gắn kết chặt chẽ với du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ. |