Không cắt điện dịp Lễ Giổ tổ Hùng Vương, chiến thắng 30/4 và ngày quốc tế lao động Cận cảnh màn so tài gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tại Lễ hội Đền Hùng 2024 |
"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3".... Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng là dịp lễ rất thiêng liêng đối với người Việt, ở đó kết tinh những giá trị quan trọng của dân tộc ta. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc chia sẻ với Báo Công Thương về ngày lễ lớn của dân tộc.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng đã tạo nên nền tảng tinh thần, bản lĩnh và sự tự tin văn hóa để chúng ta hội nhập quốc tế tốt hơn. Ảnh: TTXVN |
Thưa ông, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng diễn ra hàng năm đã thể hiện rõ nét bản sắc văn hoá dân tộc như thế nào trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước?
Đối với bất kỳ một quốc gia nào, tinh thần đoàn kết, yêu nước luôn là những giá trị cố kết quan trọng, để từ đó hình thành nên quốc gia – dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là chất keo dính, tạo nên tinh thần đoàn kết và yêu nước cho mọi người dân Việt Nam, bất kể khác biệt về ý thức hệ, quan niệm sống, vùng miền,... cũng như qua mọi thời gian, bằng một hình ảnh về tổ tiên chung, vừa thực, vừa ảo, vừa thiêng liêng như tổ tiên của dân tộc, vừa gần gũi với mỗi người dân, để từ đó, chúng ta có ý thức về chung nguồn gốc dân tộc.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp chúng ta được nhắc nhở về “cây có cội”, “uống nước nhớ nguồn”, con người “có tổ”, “có tông”. Không phải ngẫu nhiên, cách đây đúng 70 năm, trước khi về giải phóng Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một câu nói truyền cảm hứng cho mọi người dân Việt Nam: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Chính vì những giá trị thiêng liêng về tinh thần đoàn kết, yêu nước, nghĩa đồng bào,... mà Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đem lại cho dân tộc ta, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù. Trải qua hàng ngàn năm bị ngoại xâm đô hộ, trong những năm tháng chiến tranh, nhờ giữ vững những giá trị văn hóa, bằng một ý thức sâu sắc về tổ tiên chung, chúng ta đã giành được thắng lợi cuối cùng.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng đang tiếp tục khẳng định giá trị, niềm tự hào và tôn vinh văn hoá của dân tộc. Ông chia sẻ gì về điều này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng giờ đây không chỉ là dịp để tôn vinh và tưởng nhớ về nguồn gốc và truyền thống lịch sử của dân tộc, mà còn là cơ hội để thể hiện sức mạnh văn hoá và lòng tự hào dân tộc, tăng cường nhận thức về giá trị văn hoá, và thúc đẩy sự đoàn kết và sự phát triển của cả đất nước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.
Ở khía cạnh sức mạnh văn hóa, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng đã tạo nên nền tảng tinh thần, bản lĩnh và sự tự tin văn hóa để chúng ta hội nhập quốc tế tốt hơn. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Biểu tượng Hùng Vương là một phần quan trọng trong việc xác định chủ quyền văn hóa quốc gia của đất nước chúng ta. Khi hướng về các vua Hùng, chúng ta sẽ cùng chia sẻ tình cảm thiêng liêng về quốc gia – dân tộc, từ đó tạo nên một sức mạnh tập thể vô cùng lớn lao.
Bên cạnh đó, giờ đây, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân trong nước mà còn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Nhờ vào các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, thông tin về Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng lan toả một cách nhanh chóng đến khắp thế giới, giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết về văn hoá và truyền thống của dân tộc Việt Nam trên bình diện quốc tế.
Đặc biệt, hiện Đền Hùng là một điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế muốn khám phá và trải nghiệm văn hoá Việt Nam. Qua các hoạt động văn hóa truyền thống, Lễ hội Đền Hùng giúp thế giới hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử và truyền thống của dân tộc Việt Nam, thêm kinh trọng và khâm phục những giá trị văn hóa Việt Nam.
Chính sự hiện diện của du khách quốc tế tại Lễ hội Đền Hùng không chỉ tạo điều kiện cho việc trao đổi văn hoá mà còn góp phần vào phát triển kinh tế và du lịch của địa phương và cả đất nước.
Như vậy, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng không chỉ là dịp để tôn vinh tổ tiên mà còn là cơ hội để củng cố lòng tự hào dân tộc, tăng cường nhận thức về giá trị văn hoá, và thúc đẩy sự đoàn kết và sự phát triển của cả đất nước trong thời kỳ hội nhập, phát triển toàn cầu.
Ông có đánh giá như thế nào về sự lan toả của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sau khi trở thành di sản văn hoá của nhân loại vào năm 2012?
Sau hơn 10 năm được ghi danh, đánh giá lại nỗ lực của chúng ta trong việc tôn vinh giá trị tổ tiên - dân tộc mình, chúng ta nhận thấy rằng, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành để thực hiện thành công rất nhiều việc trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Trong đó, cộng đồng đã tiến hành phục hồi những diễn xướng dân gian liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương đã mai một, thất truyền, phục dựng một số không gian thờ cúng Hùng Vương ở một số làng xã với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Các nghi thức, diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục được sưu tầm, nghiên cứu; các văn bia, thần tích, sắc phong, lệnh chỉ liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng đã được sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ; hoạt động quảng bá giá trị của tín ngưỡng được thực hiện khá bài bản và thực sự đã phát huy hiệu quả truyền thông....
Tất cả giúp cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào việc giữ gìn và phát huy tốt nhất giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung, Lễ hội Đền Hùng nói riêng trong đời sống xã hội đương đại và cả tương lai.
Để tiếp tục phát huy các giá trị văn hoá, sức mạnh tinh thần của Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, chúng ta cần chú trọng, quan tâm đến các vấn đề nào, thưa ông?
Để tiếp tục phát huy các giá trị văn hoá và sức mạnh tinh thần của Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, chúng ta cần chú trọng và quan tâm đến việc thực hiện thật tốt cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Trong đó chúng ta cần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử và văn hóa liên quan đến Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, đảm bảo rằng các di sản này được bảo quản và truyền lại cho thế hệ sau một cách bền vững; cần duy trì và tôn vinh các giá trị truyền thống, như tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, và lòng biết ơn đối với tổ tiên.
Đồng thời, cần khuyến khích sự tham gia và hưởng ứng tích cực của cả cộng đồng trong việc tổ chức và tham gia Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng. Cùng với đó, nên tập trung phát triển du lịch văn hoá liên quan đến Lễ hội Đền Hùng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước để khám phá và trải nghiệm văn hoá truyền thống của Việt Nam thông qua các hoạt động tham quan, học tập và trải nghiệm.
Đồng thời, cần mở rộng hợp tác và giao lưu văn hoá với cộng đồng quốc tế thông qua Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, tạo điều kiện cho việc trao đổi kinh nghiệm, học hỏi văn hóa và thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Cuối cùng, chúng ta cần tăng cường hỗ trợ và phát triển cộng đồng địa phương, đặc biệt là các địa phương có liên quan trực tiếp đến Lễ hội Đền Hùng, để họ có thể tự tin tổ chức và tham gia vào các hoạt động văn hóa và du lịch.
Tôi tin, bằng cách quan tâm đến những vấn đề này, chúng ta có thể tiếp tục phát triển và gìn giữ sức mạnh tinh thần và giá trị văn hoá của Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển toàn diện của đất nước.
Trân trọng cảm ơn ông!