CôngThương - Ông Khiên cho biết, thương mại giữa hai nước đã có những bước tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều từ 157 triệu USD năm 2007 đã tăng lên 473 triệu năm 2011, tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 30%.
Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua Chi Lê như: Giày dép, quần áo (chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu), máy và phụ tùng, thủy sản, cà phê, hàng tiêu dùng… trong khi Việt Nam cũng nhập khẩu từ Chi Lê khoảng hơn 480 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu như đồng, bột giấy, rượu vang, trái cây… Như vậy có thể thấy, các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước không cạnh tranh nhau mà còn bổ trợ cho nhau.
Theo ông Khiên, mặc dù Chi Lê là thị trường rất tiềm năng nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn phát triển chưa tương xứng, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam còn dè dặt khi tiếp cận thị trường này. Nguyên nhân là do Việt Nam và Chi Lê có khoảng cách khá xa về địa lý cũng như khác nhau về ngôn ngữ đã khiến DN Việt Nam chưa thực sự muốn khai thác ở thị trường này. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác khi hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước có hiệu lực.
Trước đó, FTA đã được 2 nước ký kết bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hawaii, Hoa Kỳ vào tháng 11/2011 và không có gì thay đổi, trong khoảng từ nay đến tháng 6/2012, FTA sẽ chính thức có hiệu lực. Nếu điều này thành hiện thực, hai nước sẽ cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng. Cụ thể, Chi Lê cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 99,62% số dòng thuế (chiếm 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2007) trong thời gian 10 năm. Trong đó, 83,54% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Danh mục loại trừ của Chilê có 29 dòng thuế, trong đó Việt Nam không xuất khẩu qua Chilê các mặt hàng này.
Ông Khiên cho biết, hiệp định FTA đã đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đồng thời thông qua Chi Lê, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận với thị trường Châu Mỹ dễ dàng hơn.
Liên quan đến vấn đề xuất khẩu, thông tin từ Diễn đàn cho biết, hiện Chi Lê nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng hàng năm rất lớn khoảng 16 tỷ USD, đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài ra, các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như thủy sản, gạo, cà phê… cũng sẽ có lợi thế lớn khi hiệp định FTA có hiệu lực, lúc đó thuế nhập khẩu của Chi Lê sẽ về 0%.
Mặc dù có lợi thế khi thâm nhập thị trường Chi Lê, nhưng Diễn đàn đã đề cập đến những hạn chế mà các doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục để phát triển lên một tầm cao mới. Chẳng hạn như một số mặt hàng của Việt Nam vẫn phải mang thương hiệu nước ngoài mà vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp với các doanh nghiệp Chi Lê, như vậy sẽ dễ thành công hơn. Còn khi sản phẩm chưa có thương hiệu, thì doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc với các nước thứ ba cũng rất quan trọng, qua đó mượn thương hiệu của họ để tiếp cận thị trường Chi Lê dễ dàng hơn.