Các chuyên gia JICA (Nhật Bản) hướng dẫn thực hành tại trường ĐHCN Hà Nội
CôngThương - Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giáo dục đào tạo nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hệ thống giáo dục đào tạo ngày càng được hoàn thiện; quy mô và mạng lưới tiếp tục được mở rộng. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Nội dung, phương pháp và cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục đào tạo từng bước được nâng lên. Ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam tham gia và đoạt được nhiều giải cao trong các kỳ thi khu vực và quốc tế.
Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 16% năm 2000 tăng lên 49% vào năm 2013.
Những kết quả này có được từ sự quan tâm đầu tư, chăm lo của Đảng, Nhà nước cũng như sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những trường có tuổi đời lớn nhất Việt Nam với tiền thân là Trường Chuyên nghiệp Hà Nội năm 1898. Sau hơn một thế kỷ xây dựng và trưởng thành qua những giai đoạn khó khăn cũng như qua quá trình trăn trở đổi mới đi lên cùng đất nước, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã phát triển khá nhanh và toàn diện, trở thành cơ sở đào tạo có quy mô lớn, có uy tín, với nhiều cấp trình độ đào tạo.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Ngành nghề đào tạo được mở rộng và ngày càng đa dạng. Quy mô đào tạo đạt mức cao với khoảng 50.000 học viên, sinh viên. Cơ sở vật chất của trường ngày càng được đầu tư, nâng cấp khang trang hiện đại trên diện tích 50 ha với nguồn kinh phí phần lớn từ xã hội hóa. Chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên và đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.
Hoạt động đào tạo của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ngày càng hướng đến việc chuẩn hóa, hiện đại hóa về chương trình, phương pháp và mô hình đào tạo, gắn với yêu cầu phát triển của đất nước; đã từng bước nâng cao năng lực thực hành, ứng dụng cho người học.
Công tác nghiên cứu khoa học có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, ngày càng gắn với yêu cầu thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động hợp tác đào tạo với các cơ quan, địa phương cũng như các tổ chức quốc tế được đẩy mạnh. Đặc biệt, trường đã năng động, chủ động hợp tác đào tạo hiệu quả với nhiều đối tác quốc tế của Nhật Bản (JICA), Hàn Quốc, Ấn Độ, các tập đoàn lớn như Hồng Hải, Toyota, Siemens và nhiều tập đoàn khác, qua đó thu hút được nguồn lực đầu tư quan trọng, khoa học công nghệ tiên tiến,…
Trong gần 60 năm qua, trường đã đào tạo trên 200.000 công nhân kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư thực hành… cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường còn cung cấp cho thị trường lao động nước ngoài nhiều lao động kỹ thuật.
Tôi rất vui mừng được biết, với bề dày lịch sử, nhiều cựu học sinh của trường đã phấn đấu trở thành cán bộ nắm giữ những cương vị trọng trách của Đảng và Nhà nước, nhiều người đã trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú…
Những năm gần đây, nhiều học sinh, sinh viên của trường đã đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic, thi Robocon, thi tay nghề giỏi khu vực và quốc tế.
Những thành tựu đó là sự kết tinh nhiều nỗ lực cố gắng, chung tay, góp sức của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, học sinh, sinh viên nhà trường; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực của đất nước, đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là Huân chương Hồ Chí Minh mà trường đón nhận hôm nay.
Thay mặt Chính phủ, tôi đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tích xuất sắc mà các thế hệ thầy và trò tập thể Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.
Những kết quả đạt được của các bộ, ngành và của cả nước về phát triển nguồn nhân lực, trong đó có Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, là rất đáng trân trọng. Tuy vậy, nhìn chung giáo dục và đào tạo nước ta vẫn còn những bất cập, yếu kém. Chất lượng giáo dục đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, thị trường lao động, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nhanh, bền vững và phát triển nền kinh tế tri thức của đất nước.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, Khóa XI vừa qua đã ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với nhiều nội dung, quan điểm, định hướng đổi mới quan trọng, tiếp tục khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Với trọng trách là một trường đại học lớn của ngành Công Thương - ngành kinh tế đặc biệt quan trọng của đất nước, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cần quán triệt Nghị quyết Trung ương để xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Trong thời gian tới, tôi đề nghị trường tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục phát huy những thành quả đạt được để hướng tới mục tiêu trở thành một trường đại học ứng dụng tiên tiến, đào tạo đa cấp, đa ngành, chất lượng cao theo hướng mở, hướng tới người học và đáp ứng nhu cầu xã hội. Muốn vậy phải tập trung đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy và học, đáp ứng hiệu quả các yêu cầu xã hội, tiếp cận các chương trình, phương pháp đào tạo tiên tiến của khu vực và quốc tế; gắn đào tạo với nghiên cứu chuyển giao công nghệ tạo ra sản phẩm mới; thu hút cán bộ, sinh viên tham gia vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu của trường.
Hai là, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nhà giáo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ giảng viên có trình độ cao.
Đồng thời quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, giảng viên, công nhân viên của mình nhằm động viên, khích lệ sự đoàn kết, gắn bó xây dựng trường trở thành một trường đại học vững mạnh toàn diện về mọi mặt.
Ba là, coi sinh viên là trung tâm của công tác đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên học tập, nghiên cứu, tự bồi dưỡng, rèn luyện kiến thức, nhân cách, lý tưởng, hoài bão, phát huy năng lực bản thân. Trong đào tạo, nhà trường cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống và chăm lo đời sống, sinh hoạt của học sinh, sinh viên. Tạo điều kiện cả về kiến thức, nhân cách để các em học sinh, sinh viên phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình, lập thân, lập nghiệp và luôn là người công dân gương mẫu của đất nước.
Bốn là, tăng cường công tác hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ giảng dạy, nghiên cứu...; mở rộng các hình thức liên kết đào tạo đa dạng với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội nhằm bảo đảm chất lượng học viên đào tạo ra trường có năng lực thực hành ngày càng cao đáp ứng yêu cầu xã hội, đồng thời đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh.
Nhiệm vụ đặt ra cho Trường Đại học Công nghiệp trong giai đoạn mới là rất lớn và rất nặng nề.
Tôi tin tưởng rằng trường sẽ phát huy tốt hơn nữa những thành tựu đã đạt được và truyền thống tốt đẹp của mình để tiếp tục phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn và thu được nhiều thành tích cao hơn trong đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, phấn đấu đạt trình độ tiên tiến, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
(*) Đầu đề do Báo Công Thương đặt