Đó là khẳng định của các đại biểu tại Hội thảo tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục trung học phổ thông do Công ty Honda Việt Nam phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều ngày 27/3, tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty Honda Việt Nam cùng 220 cán bộ quản lý ngành giáo dục cấp trung học phổ thông, cán bộ thuộc Ban An toàn giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông thuộc 29 tỉnh/thành phố trên toàn quốc.
Hội thảo tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục trung học phổ thông |
Gần 8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em
Phát biểu khai mạc hội thảo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, những năm gần đây, tình hình trật tự, an toàn giao thông ở nước ta tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; tình trạng ùn tắc giao thông, tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ đã và đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội.
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng báo động trên là do ý thức tham gia giao thông chưa cao, người tham gia giao thông chưa thực sự hiểu biết và triệt để tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông, chưa nắm vững quy tắc, kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho hay, những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục đã có quyết tâm thực hiện và có những giải pháp cụ thể nhằm kiềm chế tai nạn khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông còn diễn biến phức tạp, điển hình là các vi phạm như: Phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông; học sinh trung học phổ thông điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe vẫn còn xảy ra.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu khai mạc hội thảo |
Thông tin tại hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, theo thống kê năm 2023, có khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông là ở độ tuổi trẻ em, tương đương với khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1200 bị thương và trong số đó có 1.470 trẻ em là học sinh bậc trung học phổ thông.
Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia dẫn chứng thêm, theo nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức năm 2016 tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của học sinh trung học phổ thông vào khoảng 32,5 em/100.000 học sinh, cao gấp 2 lần tỷ lệ trung bình do Tổ chức Y tế thế giới tính toán cho người Việt Nam (17,7 người/100.000 dân) và cao hơn 8 lần so với tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của học sinh trung học phổ thông ở các quốc gia thuộc nhóm OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế).
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, con số thương vong do tai nạn giao thông của nạn nhân thuộc lứa tuổi học sinh trung học phổ thông chiếm 70% tổng số nạn nhân là trẻ em và khoảng 80% số vụ tai nạn giao thông của trẻ em trong lứa tuổi từ 13 đến 18 xảy ra do các em tự điều khiển xe đạp điện, xe gắn máy và cả xe mô tô (khi chưa có Giấy phép lái xe theo quy định).
“Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông khi các em tự điều khiển phương tiện gây ra là do thiếu kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn, cụ thể là: Đi trái phần đường/làn đường; chuyển hướng không an toàn; lái xe quá tốc độ cho phép; vượt ẩu; sang đường không an toàn…”, ông Khuất Việt Hùng thông tin.
Ngoài nguyên nhân đến từ phía học sinh, sinh viên Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng chỉ ra một nguyên nhân quan trọng khác là do chính quyền một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, có bảo đảm an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh.
“Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh chưa được quan tâm đúng mức; việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ, trách nhiệm từng chủ thể chưa được phát huy đầy đủ; việc xử lý các thông tin tiêu cực trên không gian mạng còn nhiều bất cập, vẫn còn nhiều nội dung thiếu chuẩn mực, cổ xúy cho vi phạm, nhất là đua xe, lạng lách, đánh võng… tác động lớn đến lứa tuổi học sinh, nhưng chưa được xử lý kịp thời; còn nhiều bất cập về tổ chức giao thông tại một số khu vực trường học chưa được khắc phục; việc quản lý chất lượng một số loại phương tiện và hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh còn thiếu chặt chẽ”, ông Khuất Việt Hùng chỉ rõ.
Giáo viên trải nghiệm các trình huống mô phỏng trên máy tập lái xe cùng Hướng dẫn viên của Honda Việt Nam |
Chính vì vậy, theo lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, việc tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục trung học phổ thông là điều vô cùng cần thiết.
Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường
Để trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia giao thông đối tượng học sinh, sinh viên, ông Khuất Việt Hùng đề nghi, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, cần định hướng, trang bị cho các công dân về đạo đức tham gia giao thông, về niềm tin, tư tưởng thượng tôn và tuân thủ pháp luật. Đây là hoạt động hàng ngày, hàng giờ, cần được rèn luyện, nhận thức để hình thành thói quen, hành vi đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Khuất Việt Hùng, trong công tác phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có việc tổ chức thí điểm khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quy định pháp luật, về kỹ năng lái xe cho học sinh phổ thông và tổ chức sát hạch như việc cấp giấy phép lái xe để các em thử thực hiện, thực hành các kỹ năng trước khi đủ tuổi cấp giấy phép thật.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục nói chung, cơ sở giáo dục trung học phổ thông nói riêng luôn được các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở giáo dục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và bắt buộc thực hiện. Để công tác này ngày càng tốt hơn cần tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các bên liên quan và cần có nhận thức nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa ở từng cấp, từng ngành, địa phương, cơ sở giáo dục và từng gia đình.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố cho ý kiến tại hội thảo |
Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, tuyên truyền, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi lưu ý, công tác này cần phải được ưu tiên trên hết. Bên cạnh các phương thức tuyên truyền đã thực hiện từ trước đến nay, các bên thống nhất xây dựng nội dung cẩm nang, tài liệu chuyên môn, thông tin pháp luật, chế tài xử lý để truyền thông rộng rãi.
Do phạm vi thực hiện trong các nhà trường nên công tác tuyên truyền phải gắn liền với công tác giảng dạy, giáo dục. Cần có sự lồng ghép nội dung, tích hợp gắn liền với các chuyên đề. “Các nhà trường cần có sự phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực này để thực hiện truyền thông sâu rộng đến học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, cần tổ chức truyền thông, tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông thông qua các hình thức ngoại khóa, tổ chức hoạt động trải nghiệm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi yêu cầu.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý về việc ban hành các chế tài xử lý phù hợp và tuân thủ quy định của pháp luật. Trong đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để đảm bảo cả xã hội vào cuộc và nghiêm túc thực hiện.
Hơn hết, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi yêu cầu các đại biểu, các thầy giáo, cô giáo xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và giáo viên chủ nhiệm trong các khâu: Chỉ đạo, điều hành; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cần đánh giá về chương trình, nội dung tài liệu, thời lượng giảng dạy chính khóa, thời lượng giảng dạy và thời lượng tổ chức các hoạt động ngoại khóa về giáo dục an toàn giao thông hiện hành. Đồng thời, đề xuất các giải pháp phù hợp, thiết thực và hiệu quả trong thời gian tới.
Trong năm học 2023 - 2024, Công ty Honda Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia triển khai mạnh mẽ và hiệu quả chương trình giáo dục An toàn giao thông dành cho học sinh. Theo đó, chung tay cùng Chính phủ nhằm hiện thực hóa mục tiêu quốc gia về an toàn giao thông “KHÔNG có tử vong do tai nạn giao thông đường bộ” vào năm 2045 và hướng tới mục tiêu của Honda toàn cầu “KHÔNG có tử vong do va chạm giao thông liên quan đến Xe máy và Ô tô Honda” vào năm 2050, Honda Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát Giao thông - Bộ Công an và Hệ thống Cửa hàng bán xe máy và dịch vụ do Honda ủy nhiệm đã tích cực triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho người dân trên cả nước, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên - thế hệ mầm xanh tương lai của đất nước. Trong năm học 2023 - 2024 vừa qua, hoạt động đào tạo an toàn giao thông trong trường học đã được triển khai mạnh mẽ với hơn 24 triệu học sinh được đào tạo, trong đó các hoạt động tiêu biểu bao gồm: Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” tập trung vào đối tượng trẻ mầm non đã được hoàn thiện triển khai trên khắp 63 tỉnh/thành phố nhằm sớm hình thành nhận thức về an toàn giao thông cho trẻ; Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” tập trung vào học sinh tiểu học trên toàn quốc; Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” đào tạo cho học sinh trung học trên cả nước; Chương trình tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đường bộ và dướng dẫn kỹ năng lái xe mô tô, xe gắn máy an toàn cho sinh viên. |