Cụ thể, trong giai đoạn I, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Quốc hội giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và bảo đảm tổng mức đầu tư toàn bộ Dự án CHK Long Thành không vượt tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án CHK Long Thành. Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự.
Với 90,06% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I |
Về phương án huy động vốn, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ. Trong khi đó, về công nghệ, phải bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13.
Nghị quyết cho phép điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050ha thành 570ha dành riêng cho quốc phòng và 480ha cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng. Việc quản lý, sử dụng phần diện tích dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Nghị quyết cũng bổ sung hai tuyến giao thông kết nối vào dự án, gồm: tuyến số 01 nối với quốc lộ 51; và tuyến số 02 nối với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Chính phủ chỉ đạo Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương xem xét, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Trong đó, tiếp tục làm rõ các nội dung về tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tài chính, công nghệ chính, quản lý, vận hành, khai thác và đào tạo nguồn nhân lực và các cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có). Đồng thời, hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bàn giao mặt bằng kịp tiến độ thi công dự án, bảo đảm hoàn thành và đưa vào khai thác dự án theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 94/2015/QH13.
Chính phủ cũng được giao nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối khu vực CHK Long Thành với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng bộ với từng giai đoạn đầu tư theo định hướng trở thành cảng hàng không trung chuyển khu vực và quốc tế.
“Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án CHK Long Thành theo các Nghị quyết của Quốc hội” - Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng CHK Long Thành giai đoạn 1, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong quá trình góp ý, có ý kiến của đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính chính xác của tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án vì nhiều hạng mục mới dừng ở mức tính toán sơ bộ, do vậy, đề nghị không nên đưa số liệu cụ thể của tổng mức đầu tư vào Nghị quyết của Quốc hội. Cũng có ý kiến đề nghị cần xác định rõ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 không vượt quá tổng mức đầu tư đã xác định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 94 và có ý kiến đề nghị tổng mức đầu tư phải bao gồm cả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Xây dựng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt bảo đảm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án và bảo đảm tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội |
Giải trình về vấn đề trên, theo ông Vũ Hồng Thanh, tổng mức đầu tư Dự án CHK Long Thành được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 94, khái toán là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng khu vực 5.000ha dự kiến là 14.139 tỷ đồng, tương đương 0,673 tỷ USD).
Tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội (Nghị quyết 53), Quốc hội đã thông qua một số chỉ tiêu của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trong đó tổng mức đầu tư được xác định là 22.938 tỷ đồng, diện tích đất thu hồi là 5.399,35 ha (tăng thêm 379,35ha cho 02 khu tái định cư và 20ha cho khu nghĩa trang). Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 6/11/2018 phê duyệt đầu tư Dự án giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng (tương đương 0,978 tỷ USD).
Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 4,779 tỷ USD (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53), đối chiếu với mức đầu tư giai đoạn 1 theo Nghị quyết 94 thì chi phí đầu tư xây dựng giai đoạn 1 chưa vượt mức đầu tư cho phần xây lắp, nhưng nếu tính cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 thì đã vượt. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 94 chỉ là mức khái toán dựa trên Báo cáo tiền khả thi được xác định sơ bộ, chưa dựa trên tính toán của thiết kế cơ sở và giá thực tế tại thời điểm xác định của Báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, theo báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự án đầu tư xây dựng CHK Long Thành giai đoạn 1 phải đầu tư một số hạng mục sử dụng chung cho các giai đoạn.
Theo quy định của Luật Xây dựng (Điều 134), tổng mức đầu tư dự án bao gồm cả chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý theo hướng không ghi cụ thể số liệu tổng mức đầu tư trong dự thảo Nghị quyết mà giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án (bao gồm cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) nhưng phải bảo đảm tổng mức đầu tư toàn dự án cả 3 giai đoạn không vượt quá tổng mức đầu tư quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 94.
Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, trong quá trình đóng góp ý kiến, nhiều địa biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của việc hoàn thành giai đoạn 1 dự án vào năm 2025, nhất là lo ngại tiến độ công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao đất thi công dự án.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tiến độ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn khá chậm” – ông Thanh nói và cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lưu ý các vụ việc phát sinh khiếu nại thời gian qua thường xuất phát từ khâu áp giá bồi thường, do đó, cần thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, khi có sự đồng thuận của người có đất bị thu hồi thì cần có thời gian để người dân xây dựng nhà ở, ổn định chỗ ở, xây dựng các công trình cơ sở tôn giáo làm nơi sinh hoạt trước khi bàn giao đất cho chính quyền. Do vậy, tiến độ bàn giao đất vào cuối năm 2020 sẽ là thách thức không nhỏ. Vì vậy, Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt bảo đảm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án và bảo đảm tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội.