Thợ lò tan ca
CôngThương - Những “trang mới” của thợ lò
Về vùng than hôm nay, chuyện về những người thợ lò mang theo cặp lồng cơm, đi bộ nhiều cây số để vào lò, mặc bộ đồ lao động nguyên bụi than trở về với gia đình… đã là quá khứ. Giờ đây, hầu hết thợ lò đã được đưa đón bằng xe ôtô máy lạnh. Quần áo bảo hộ lao động cũng được công ty giặt sạch, sấy khô. Sau khi tan ca, thợ lò có riêng khu tắm nước nóng. Những bữa ăn ngày càng cải thiện, thực phẩm đa dạng, nóng sốt, đảm bảo vệ sinh.
Có mặt tại Giếng cánh gà, Công ty Cổ phần than Vàng Danh, đúng lúc tan ca, gặp những người thợ vừa trong lò ra với gương mặt lấm lem bụi than. Nhưng chỉ 15 phút sau, vẫn là những người thợ đó, tất cả đều sạch sẽ, thơm tho, trong những bộ trang phục hàng ngày tươi tắn. Anh Nguyễn Văn Vũ - Trưởng ban tuyên giáo công ty - cho biết: công ty hiện có 29 xe đưa đón công nhân. Suất ăn của thợ lò được thay đổi thường xuyên, mỗi ngày, nhà bếp chuẩn bị vài nghìn suất ăn, nhưng tuyệt nhiên chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào. Để đảm bảo được việc này, công ty phải có sự phối hợp, kiểm tra rất chặt chẽ với các đơn vị cung cấp thực phẩm. Mới đây, Than Vàng Danh đã khánh thành và đưa vào sử dụng khu nhà ở công nhân 5 tầng (hơn 300 chỗ ở) khang trang.
Không chỉ ở Than Vàng Danh, đến với Công ty than Hòn Gai, Thống Nhất…, ở đâu cũng có thể thấy những công trình khép kín dành cho công nhân (gửi xe, tắm giặt, ăn uống) với những khu nhà ở quy củ, đàng hoàng.
Đặc biệt, một số công ty như Than Hòn Gai, hàng năm đều tổ chức cho vợ thợ lò lên gặp gỡ, giao lưu, thăm nơi ăn, chốn ở, đến tận lò chứng kiến điều kiện làm việc, để họ thực sự yên tâm.
Vì sao mỗi năm vẫn có hàng nghìn thợ lò bỏ việc?
Hiện nay, Vinacomin có 4 trường đào tạo công nhân, cán bộ. Ngoài trường đào tạo nguồn nhân lực cao cấp là Trường Quản trị kinh doanh, còn lại là 3 trường đào tạo công nhân mỏ lành nghề, phục vụ cho sản xuất. Đó là: Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm, Cao đẳng nghề mỏ Hữu Nghị, cao đẳng nghề công nghiệp Việt Bắc. Mỗi năm, từ những ngôi trường này, hàng vạn công nhân được đào tạo mới và đào tạo tại chỗ, hàng ngàn cán bộ các đơn vị được đào tạo nâng cao… tỏa đi các mỏ.
Đến nay, chính sách đào tạo lao động cho ngành than vẫn được xem là khá tốt so với rất nhiều ngành nghề khác. Học sinh đào tạo hệ trung cấp nghề theo hợp đồng của các doanh nghiệp (DN) được cấp học bổng toàn phần (phí đào tạo và ở ký túc xá được miễn, cấp tiền ăn với mức 1.217.000 đồng/người/tháng), được bố trí làm việc ngay sau khi tốt nghiệp với mức lương từ 7- 15 triệu đồng; nếu đủ điều kiện, được học liên thông lên trình độ cao đẳng, đại học.
Đãi ngộ là vậy, nhưng theo như các cán bộ tuyển sinh trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm, trước đây, việc tuyển công nhân thợ lò chủ yếu là ở khu vực miền Bắc như: Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương… Nay, những vùng này rất khó tuyển, cán bộ phải chia nhau đi vào vùng sâu, vùng xa, Tây Bắc và các tỉnh miền Trung…. “Để tuyển được 1 học sinh, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền xã, nhiều trường hợp chúng tôi phải “ăn dầm, ở dề” nhà bà con để thuyết phục” - một cán bộ tuyển sinh cho hay. Thế nhưng, con số học sinh bỏ học của trường Hồng Cẩm có khi lên tới 12-14%, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà trường và DN.
Đặc biệt, do công việc thường xuyên tiềm ẩn các rủi ro de dọa đến tính mạng, nhiều thợ lò đã nản trí, bỏ việc trong hầm lò, chuyển sang làm công việc khác. Bên cạnh đó, do đặc thù lao động hầm lò 100% là nam giới, lại tập trung với số lượng đông, nên việc lập gia đình ngay tại vùng mỏ vô cùng hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới quyết tâm gắn bó của nhiều công nhân.
Theo con số thống kê của Vinacomin, năm 2012, tập đoàn có 1.500 thợ lò bỏ việc. Có những mỏ, hàng trăm công nhân bỏ việc, gây ra tình trạng thiếu công nhân hầm lò thường xuyên, dẫn đến tổn thất lớn về chi phí đào tạo và tuyển dụng.
Giữ chân thợ lò
Chú trọng chăm lo, đãi ngộ đối với thợ lò - lực lượng lao động trực tiếp làm nên sự lớn mạnh của ngành than - là một trong những chiến lược hoạt động của Vinacomin. Từ nhiều năm nay, lãnh đạo các DN trong ngành đều chủ động tìm đến các trường: Đại học Mỏ - Địa chất, đại học Bách Khoa…. tìm kiếm các sinh viên giỏi, đón về làm việc tại các mỏ. Mức lương cho thợ lò cũng được xác định sẽ tăng 10% hàng năm. Tập đoàn còn bố trí xây dựng nhà ở cho công nhân hầm lò độc thân; tạo quỹ đất, hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng nhà cửa, trường học, trạm xá; giải quyết việc làm, nhà ở, trường học, bệnh xá… cho vợ con của công nhân. Hàng quý, hàng năm, các DN đều có cuộc đối thoại trực tiếp, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người thợ lò để có sự điều chỉnh thích hợp.
2012 - một năm vô cùng khó khăn với ngành than- nhưng việc cắt giảm lương chỉ thực hiện với các bộ phận khác, riêng thợ lò mức lương vẫn được giữ nguyên.
Bước sang năm 2013, Phó tổng giám đốc Vinacomin - Nguyễn Văn Biên - nhấn mạnh: Chú trọng các biện pháp thu hút thợ lò cũng là một trong những nhiệm vụ được Vinacomin tiếp tục thực hiện, trong đó đặc biệt quan tâm cải thiện điều kiện ăn, ở, đi lại, tiền lương và điều kiện làm việc của thợ lò.
Cũng theo ông Biên, khó khăn nhất hiện nay là ngành than không có vốn để đầu tư phát triển quỹ nhà ở, do giá than vẫn chưa được xác định đúng bản chất, sức cạnh tranh kém… Vì vậy, Vinacomin áp dụng một số chính sách theo quyết định của Chính phủ để phát triển nhà ở cho công nhân lao động, đối với các dự án nhà ở công nhân mỏ đang triển khai được miễn tiền sử dụng đất, được đối trừ tiền sử dụng đất vào tiền thuế đất hàng năm. Đồng thời, cho phép Vinacomin chuyển đổi mục đích sử dụng một số quỹ đất dôi dư tại các nhà máy, cơ sở sang đất ở để xây nhà tập thể cho công nhân. Đặc biệt, để nhanh chóng có nguồn vốn triển khai các dự án nhà ở cho công nhân mỏ, Vinacomin kiến nghị các bộ, ngành xem xét, trình Thủ tướng cho phép tập đoàn được trích 1 USD/tấn than bổ sung vào Quỹ phát triển nhà ở công nhân.
Phó tổng giám đốc Vinacomin Nguyễn Văn Biên: “Để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp mỏ hiện đại, bền vững… hơn bao giờ hết, thợ lò phải là những người được đào tạo cơ bản, có kiến thức để làm chủ công nghệ, thiết bị”. |