Một số doanh nghiệp lợi dụng việc tổ chức cấp C/O tạo sự thông thoáng trong khâu kiểm tra hồ sơ trước khi xuất khẩu để thực hiện hành vi gian lận. - Ảnh minh họa |
Đây là nhận định của Tổ công tác của Thủ tướng trong báo cáo gửi Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương và và kết quả hoạt động của Tổ công tác tháng 11 năm 2019.
Theo báo cáo, trong tháng 11, Tổ công tác đã làm việc với 05 bộ, cơ quan (Công Thương, Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Tổng cục: Hải quan, Quản lý thị trường) nhằm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao liên quan đến cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận, giả mạo xuất xứ; làm việc với 12 Bộ, cơ quan trong việc thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và việc bãi bỏ văn bản ban hành trái pháp luật của các bộ, cơ quan.
Ngoài ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã làm việc với 04 địa phương được chọn làm điểm trong việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Theo Tổ công tác, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, dễ bị áp dụng biện pháp trừng phạt, mất đi thương hiệu Việt Nam, gây thiệt hại không thể tính toán được đối với nền kinh tế nước ta.
Các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi với 2 nhóm hành vi: (1) Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước; (2) Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.
Các nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm gỗ; dệt may; da giày, túi xách; vali, mũ, ô, dù; thủy sản; giấy và các sản phẩm từ giấy; đinh vít, máy móc, thiết bị khác.
Nguyên nhân, theo Tổ công tác, trước hết là do hành lang pháp lý về vấn đề này không theo theo kịp diễn biến thực tế. Quy định về quy tắc xuất xứ với một số mặt hàng còn lỏng lẻo; việc quy định kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O chưa chặt chẽ; quy định pháp luật về xuất xứ chưa cụ thể, chưa bao quát được, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa.
Một số doanh nghiệp lợi dụng việc tổ chức cấp C/O tạo sự thông thoáng trong khâu kiểm tra hồ sơ trước khi xuất khẩu để thực hiện hành vi gian lận về chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa hoặc lợi dụng việc cấp các loại Giấy chứng nhận khác có nội dung tương tự C/O để gian lận (Ví dụ, VCCI cấp Giấy chứng nhận một công đoạn gia công được thực hiện tại Việt Nam hoặc hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam, không có ý nghĩa trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam).
Chưa có sự phối, kết hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các lực lượng kiểm soát, quản lý sản xuất trong nước với cơ quan Hải quan trong việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Một nguyên nhân khác là tình trạng lợi dụng việc một số nước nhập khẩu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Một số nước (kể cả Hoa Kỳ) cho phép nhà nhập khẩu được tự khai báo, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nên xuất hiện hành vi gian lận xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Điều này vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng Việt Nam.
Trong 11 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 10.204 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 5.315 nhiệm vụ đã hoàn thành, 4.672 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 217 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,13%, giảm 0,24% so với tháng trước) . Về thực hiện Chương trình công tác, trong 11 tháng, có 431 đề án phải trình. Hiện, còn 52 đề án chưa trình, chiếm 12% - tăng 1,3% so với tháng trước. Hiện vẫn còn 10 văn bản quy định chi tiết đang nợ đọng, chưa ban hành. Ngoài ra, các Bộ, cơ quan có 61 văn bản quy định chi tiết phải ban hành và trình ban hành trong thời gian tới (28 Nghị định và 33 Thông tư). |
Giải pháp cấp bách để tăng cường quản lý
Tổ công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ, theo hướng bổ sung thời hạn thực hiện của một số nhiệm vụ giao các bộ, cơ quan, như, sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 sửa đổi Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trình trong quý II năm 2020; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, trình trong háng 12/2019.
Khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam theo đúng quy trình, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thường xuyên cung cấp cho Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) danh sách các mặt hàng bị điều tra, áp thuế chống phá giá, thuế chống trợ cấp mà các nước sử dụng đối với thị trường có nguy cơ chuyển tải qua Việt Nam; cung cấp các doanh nghiệp, các mặt hàng có nghi ngờ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp để các cơ quan cấp C/O và Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Bộ Tài chính theo dõi chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa và xuất khẩu hàng hóa của Việt nhằm đề phòng hàng hóa các nước chuyển hướng sang Việt Nam sau đó lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường khác.
Theo dõi số liệu xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thuộc Danh sách và các mặt hàng Việt Nam đang điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để hàng tháng cung cấp thông tin cho Bộ Công thương, Bộ Công an, đặc biệt lưu ý hiện tượng kim ngạch xuất nhập khẩu biến động bất thường.
Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường trong nước để kịp thời phát hiện các hành vi ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa cho phù hợp với thực tiễn hiện nay và yêu cầu quản lý. Nghiên cứu, xem xét lại hiệu lực của Thông tư 05/2019/TT-BKHCN về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến cáo các hiệp hội doanh nghiệp về nguy cơ bị áp dụng các biện pháp trừng phạt do gian lận xuất xứ. Khuyến khích hiệp hội phát hiện, phản ánh về các hành vi gian lận xuất xứ; bảo vệ các doanh nghiệp chân chính và thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Thực hiện tham vấn ý kiến của lãnh đạo hiệp hội ngành hàng khi cấp C/O cho doanh nghiệp hoạt động thuộc lĩnh vực của hiệp hội. Tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa và hàng hóa xuất khẩu, chuyển tải từ Việt Nam đi các nước để thực hiện việc cấp C/O theo đúng quy định.
Siết chặt công tác quản lý cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP. Khẩn trương kết nối hệ thống trao đổi dữ liệu cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương, cổng thông tin một cửa quốc gia, trong tháng 12/2019. Tăng cường nguồn nhân lực thực hiện cấp C/O để bảo đảm việc cấp C/O theo đúng quy trình theo quy định.
Về kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL, tổng số văn bản thuộc trách nhiệm hệ thống hóa của 12 bộ, cơ quan đang còn hiệu lực là 5.750 văn bản. Trong đó, có 651 văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện việc xử lý văn bản theo kết quả hệ thống hóa để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đang xây dựng 01 Nghị định và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ văn bản QPPL do Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành không còn phù hợp, không còn được áp dụng. Từ năm 2016 đến tháng 6/2019, 12 bộ, cơ quan đã kiểm tra theo thẩm quyền 25.946 văn bản QPPL. Trong đó, đã phát hiện, kiến nghị xử lý 705 văn bản QPPL ban hành trái pháp luật về thẩm quyền và nội dung. Đến nay, có 535/705 văn bản đã được xử lý – đạt 76%. Qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, nhiều văn bản ban hành có quy định trái pháp luật gây ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đã được phát hiện, xử lý kịp thời, qua đó hạn chế được tác động tiêu cực đến xã hội, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong xây dựng, thực thi pháp luật. |
Hà Chính - Báo baochinhphu.vn xuất bản ngày 06/12/2019