Hội thảo thu hút đông đảo các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa |
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc VCCI Đà Nẵng - ông Nguyễn Tiến Quang - cho rằng, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế có độ mở cao, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp 2 lần GDP. Vì vậy, các chính sách về thuế và hải quan có tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam còn hấp dẫn hay không; và là 2 trong 10 lĩnh vực được doanh nghiệp quan tâm nhất theo khảo sát của VCCI. Vì vậy, việc cập nhật các chính sách thuế, hải quan có ý nghĩa thiết thực giúp doanh nghiệp thực hiện, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật liên quan đến 2 lĩnh vực này.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp và các chuyên gia đến từ Deloitte Việt Nam đã cùng trao đổi những vướng mắc của doanh nghiệp trong việc lập báo cáo quyết toán, tuân thủ quy định, giảm thiểu rủi ro. Các chuyên gia của Deloitte cũng cập nhật các nội dung mới quan trọng trong các quy định về thuế, hải quan và giá chuyển nhượng, giúp các doanh nghiệp kịp thời áp dụng các thay đổi của quy định pháp luật về các lĩnh vực này trong hoạt động kinh doanh.
Ông Bùi Ngọc Tuấn khuyến nghị các doanh nghiệp cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật để giảm thiểu rủi ro thanh tra thuế thường xuyên |
Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam đánh giá, trong những năm qua, cơ quan thuế đã áp dụng có hiệu quả hệ thống đánh giá rủi ro tuân thủ của doanh nghiệp ví dụ như kê khai thuế, thời gian nộp thuế, xử lý các nghĩa vụ về thuế…., từ đó xác định được các đối tượng doanh nghiệp trong từng thời kỳ sẽ thuộc đối tượng phải thanh kiểm tra. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, vấn đề giá chuyển nhượng rất được cơ quan thuế quan tâm. Danh sách doanh nghiệp sẽ bị thanh kiểm tra được thay đổi theo từng năm, từng thời kỳ. Có doanh nghiệp thậm chí sẽ bị thanh tra thuế từng năm một chứ không phải như trước đây định kỳ 3 năm, 5 năm 1 lần.
Để doanh nghiệp có thể tránh được rủi ro liên quan đến hoạt động thanh tra bất thường hay thường xuyên của thanh tra thuế, ông Tuấn khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao tính tuân thủ. “Tuân thủ từ những việc rất nhỏ như xử lý các nghĩa vụ kinh tế, nắm vững các quy định liên quan đến nghĩa vụ thuế, các nghĩa vụ phát sinh, có đầy đủ hồ sơ chứng từ, cách hạch toán, cách xử lý của kế toán cũng phải đúng đắn, các doanh nghiệp tốt nhất nên có kế toán riêng để phụ trách về thuế. Kế toán thuế sẽ bảo đảm tính tuân thủ về việc kê khai thuế theo định kỳ cũng như thông báo với kế toán các khoản thuế đến hạn. Doanh nghiệp tuân thủ đúng sẽ giảm thiểu rủi ro được rất nhiều”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI cần củng cố các hồ sơ báo cáo chuyển nhượng. Đối với doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung, phần lớn các doanh nghiệp lớn hoạt động có liên quan đến đầu tư, phát triển BĐS cần chú ý đến những giấy tờ pháp lý, những khoản tiền thuê đất vì sẽ có những đợt thanh tra thuế chuyên đề mà nếu doanh nghiệp không lưu tâm sẽ rất dễ bị kết luận vi phạm.