Công ty Quế Lâm tái sử dụng vài vụn thừa để may túi cung cấp cho khách hàng |
Đây là một trong những nội dung chính được đề ra tại Quyết định số 491/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 5/7/2018. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần có nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Ước tính, mỗi năm, có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua… Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilon của cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng". Trong khi đó, tại các thành phố lớn ở Việt Nam, tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, công nghệ tái chế nhựa lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị Trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho biết, hiện, cả nước hiện có khoảng trên 8.460 chợ trong quy hoạch, 1007 siêu thị và trung tâm mua sắm; hơn 5.000 cửa hàng chuyên doanh các mặt hàng điện tử điện máy với sự hiện diện của các siêu thị chuyên ngành về điện máy, may mặc, thời trang...; Ngoài ra, còn hàng chục nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi phân bố rộng khắp cả nước. Do vậy, theo các chuyên gia môi trường, cần những chính sách đồng bộ để thay đổi hành vi của người tiêu dùng và cả người kinh doanh tại các chợ truyền thống sử dụng túi nilon sử dụng một lần khó phân hủy. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần thân thiện môi trường với giá thành hợp lý.
Bà Marie -Lan Nguyen Leroy - Chuyên gia môi trường Cơ quan Phát triển Pháp -nhận định, sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy ở Việt Nam được các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, người bán hàng sử dụng nhiều bởi vì mang lại lợi ích kinh tế hơn cho người bán hàng so với sử dụng các sản phẩm sử dụng nguyên liệu khác để sản xuất. Do vậy, Việt Nam cần dùng các chính sách công để tác động lên giá thành sản phẩm sử dụng một lần nhằm giảm thiểu rác thải nguy hại.
Tại Hội nghị Khoa học toàn quốc về quản lý chất thải rắn diễn ra tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất với phương án được đề xuất "Sửa đổi quy định yêu cầu các hộ gia đình tự phân loại và sử dụng túi đựng rác theo quy định. Túi rác do cơ sở sản xuất được UBND tỉnh chỉ định. Đồng thời, quy định hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy và đồ nhựa sử dụng một lần". Tuy nhiên, khi thực hiện phương án này, cần phải bảo đảm yếu tố về cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; cần phân định rõ phạm vi trợ cấp/bù giá của nhà nước cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ áp dụng đối với rác thải phát sinh từ hộ gia đình.
Bà Marie -Lan Nguyen Leroy - Chuyên gia môi trường Cơ quan Phát triển Pháp: Không có một công nghệ nào tối ưu để xử lý triệt để vấn đề rác thải rắn sinh hoạt, trong đó có rác thải nhựa. Cần đánh thuế thật cao, có thể là thuế môi trường, thuế tiêu thụ... cho các sản phẩm nhựa khó phân hủy dùng một lần. |