Theo Cục Thuế Hà Nội, thời gian qua, Cục Thuế đã nhận diện, phân loại và thu thập dữ liệu các đối tượng có hoạt động kinh doanh TMĐT để có những biện pháp quản lý cụ thể. Về cơ bản 3 nhóm đối tượng chính, gồm: Các cá nhân kinh doanh, bán hàng qua mạng xã hội; tổ chức, cá nhân cung cấp các ứng dụng, sản phẩm trên Google Play, Apple Store, YouTube...; tổ chức cung cấp dịch vụ, bán hàng (website, ứng dụng bán hàng, sàn TMĐT, cho thuê nhà).
Nhiều người bán hàng qua mạng xã hội tự giác kê khai, nộp thuế nhưng vẫn có trường hợp chây ỳ, trốn thuế. Ảnh: TTXVN |
Căn cứ dữ liệu thu thập từ các đơn vị trung gian vận chuyển, cung cấp ứng dụng lưu trú, Cục Thuế TP Hà Nội đang xây dựng cơ sở dữ liệu 2.307 địa chỉ cho thuê nhà, 31.244 cửa hàng có hoạt động kinh doanh TMĐT để thực hiện quản lý thuế.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, để quản lý và thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã rà soát 14.951 trang web, từ đó, xác định 1.092 chủ trang web thuộc đối tượng chịu thuế. Trong quá trình làm việc, đã có 56 cá nhân tự giác kê khai với số thuế khai bổ sung và tiền chậm nộp là 1,83 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã xử lý qua kiểm tra đối với 580 doanh nghiệp và cá nhân với tổng số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp là 18,5 tỷ đồng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Viên Viết Hùng, việc quản lý thuế với hoạt động kinh doanh TMĐT hiện gặp một số khó khăn như: Người nộp thuế chưa chủ động tìm hiểu, nắm bắt quy định pháp luật về thuế; loại hình kinh doanh TMĐT đa dạng trên nhiều nền tảng, không biên giới, đòi hỏi cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp, rõ ràng, dễ tuân thủ. “Giao dịch TMĐT khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, dễ dàng thay đổi địa chỉ, nên khó khăn trong việc nắm bắt giao dịch. Trên thực tế có nhiều người tự giác kê khai, nộp thuế, nhưng vẫn có trường hợp chây ỳ, trốn thuế. Vì vậy, cùng với việc có nền tảng công nghệ tốt, ngành Thuế cần thực hiện biện pháp mạnh với những trường hợp này”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết.
Năm 2021, giải pháp ưu tiên mà Cục Thuế Hà Nội triển khai là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định; rà soát, phân tích dữ liệu thanh tra, kiểm tra đối với một số trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh theo hình thức TMĐT trên địa bàn.
"Các trường hợp Cục Thuế Hà Nội đã thông báo, hỗ trợ, nhưng vẫn cố tình không đăng ký, kê khai và nộp thuế, cơ quan thuế sẽ kiểm tra và xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Nếu các cá nhân không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế sẽ tổng hợp và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố theo quy định của pháp luật", ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, từ nay tới cuối năm, Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho ngân hàng để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch của người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài.
“Với hoạt động thanh toán từ nhà mạng nước ngoài như: YouTube, Google… cho cá nhân trong nước, chúng tôi đã có thông tin tương đối đầy đủ và hoàn toàn quản lý được. Cụ thể, thông qua thông tin do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng cung cấp, cơ quan thuế có đầy đủ thông tin giao dịch bất thường của các cá nhân liên quan đến tài khoản quốc tế. Với thông tin đó, chúng tôi mời những người có thu nhập lên cơ quan thuế để tuyên truyền, giải thích về nghĩa vụ thuế để họ thực hiện kê khai thuế, tính thuế và nộp thuế. Nếu họ không thực hiện, cơ quan thuế có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin liên quan đến các khoản thanh toán của tổ chức nước ngoài cho cá nhân Việt Nam và thực hiện cưỡng chế thuế”, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.