Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường nhằm xem xét, quyết định chuyên đề thực hiện giám sát năm 2025.
Nội dung dung giám sát chuyên đề, căn cứ đặc điểm tình hình và khối lượng công việc của năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 2 chuyên đề và tên của từng chuyên đề, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn 1 trong 2 chuyên đề đã được nghiên cứu, chuẩn bị, sắp xếp để Quốc hội giám sát tối cao một chuyên đề, còn lại một chuyên đề, đề nghị giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giám sát.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 30/5 (Ảnh:Media.quochoi.vn) |
Chuyên đề 1 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Chuyên đề này dự kiến giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung.
Chuyên đề 2 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, dự kiến giao cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung.
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng
Trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến ủng hộ chọn Chuyên đề 1. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng Đoàn ĐBQH hoạt động chuyên trách tỉnh Hải Dương cho rằng, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương (Ảnh:Media.quochoi.vn) |
Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm nguồn nước, không khí nói riêng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới trong các phiên thảo luận tổ, hội trường cũng như thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
“Nếu đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025, theo tôi là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng” – bà Việt Nga nêu quan điểm.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành là vấn đề cần thiết phải giám sát tối cao trong thời gian hiện tại. Bởi ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng và được đông đảo cử tri hết sức quan tâm, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước nói riêng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới, đặc biệt là trong các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường trong các phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chia sẻ: Trên thực tế, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đang có nhiều khó khăn, nhất là sắp tới vào 1/1/2025 là thời hạn bắt buộc phải triển khai phân loại rác thải tại nguồn theo quy định, chúng ta chỉ còn hơn nửa năm nữa.
Thời điểm chính thức áp dụng xử phạt đối với hành vi không phân loại rác thải bắt đầu từ ngày 1/1/2025, tuy nhiên, hiện tại nhiều người dân, nhiều chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, trả tiền theo lượng rác thải ra sao, tập kết rác đã phân loại như thế nào và ngay cả các địa phương cũng chưa thực sự sẵn sàng cho công tác chuẩn bị.
Nhiều vướng mắc và nhiều vấn đề nan giải đang được đặt ra, như thiếu thiết bị thu gom, thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng đạt chuẩn, thiếu địa điểm tập kết và hiện nay vẫn còn thiếu các quy định về định mức, đơn giá thu gom và xử lý rác thải.
"Tuy đã có 2 năm chuẩn bị kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, nhưng đến nay tôi nhận thấy công tác chuẩn bị của chúng ta chưa được kỹ. Thực trạng này rất cần được giám sát tối cao để làm rõ những khó khăn, vướng mắc và để có biện pháp tháo gỡ kịp thời."- đại biểu Việt Nga khẳng định.
Cùng chung quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã bày tỏ quan điểm đồng ý đưa chuyên đề đề môi trường vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho hay, ô nhiễm cho đến nay hầu như chưa được cải thiện đáng kể, nhất là từ khi đưa Luật Bảo vệ môi trường mới 2020 vào hiệu lực, nạn ô nhiễm về Bắc Hưng Hải và ngay cả Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội đang quyết tâm làm sạch hóa dòng sông Tô Lịch nhưng phải mất rất nhiều công sức.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội sáng 30/5 (Ảnh: Thu Hường) |
Đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh: "Nhân dịp giám sát như thế này, chúng ta lấy những kinh nghiệm của thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để nhân rộng ra toàn quốc. Bởi vì câu chuyện ô nhiễm không phải chỉ là rác thải, nước thải sinh hoạt mà còn cả ở nông thôn, cả công nghiệp, khu công nghiệp, rất nhiều vấn đề. Hiện nay, báo cáo của Chính phủ nêu chủ yếu dựa trên báo cáo của các tỉnh và rất khác với số liệu báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường."
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, trong 2 lần Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành như phiên giải trình chất thải rắn hoặc khảo sát về thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ môi trường 2023 thì báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đều rất nhất quán và số liệu khá giống nhau, tức là rác thải đô thị chỉ có 72% được thu gom là mang chôn lấp, trong đó chỉ có 20% hợp vệ sinh, hiện nay chôn lấp hợp vệ sinh luật mới đã không khuyến khích.
Công tác thu gom, xử lý rác thải đang trầm trọng chứ không thể nói là đạt 92%, 95% như báo cáo của các tỉnh. Phụ lục báo cáo của Chính phủ về bảo vệ môi trường, trong các tỉnh gửi lên thì tỉnh nào cũng xử lý đạt 92%, 93% đến 95%. Điều đó cho thấy, nguồn lực xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được tập trung.
"Việc giám sát chính sách thực hiện bảo vệ môi trường 2022 rất quan trọng và nên đưa thành giám sát tối cao. Trong quá trình giám sát tối cao có một phần của môi trường đó là công tác biến đổi khí hậu, hiện nay cũng chưa được nhắc đến nhiều, chưa được đề cập và chưa đi vào thực chất."- đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.
Đề xuất thêm chuyên đề đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách thiên về giám sát tối cao chuyên đề 2, bởi theo ông, nguồn nhân lực, cán bộ là gốc rễ của vấn đề; vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao đang đặt ra một cách bức xúc.
“Giám sát chuyên đề này là giám sát quá trình phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, sử dụng. Từ đầu nhiệm kỳ, tôi đề nghị tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, nếu làm được thì tạo chuyển biến rất căn bản” – ông Lê Thanh Vân nói.
Đồng tình với đánh giá rằng năm 2025 có nhiều việc lớn, nhất là Đại hội Đảng các cấp, nên Quốc hội chỉ tiến hành giám sát tối cao 1 chuyên đề, song đại biểu Trần Hoàng Ngân vẫn bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thêm 1 chuyên đề liên quan đến đầu tư công và quản lý, sử dụng tài sản công.
Đại biểu nêu thực tế thời gian qua Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành và ngay tại Kỳ họp thứ 7 cũng sẽ xem xét cơ chế, chính sách đặc thù cho Nghệ An và Đà Nẵng. Ông cũng tin rằng tới đây, nhiều địa phương khác cũng sẽ tiếp tục xin cơ chế, chính sách đặc thù.
“Điều đó cho thấy rất cần thay đổi đột phá trong luật pháp hiện nay, nhất là Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công” – ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh và đề nghị bổ sung 1 chuyên đề giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (Ảnh:Media.quochoi.vn) |
Điều hành phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, 2 chuyên đề giám sát được UBTVQH trình ra đều rất quan trọng, là vấn đề nóng, được nhân dân và cử tri quan tâm. Quốc hội chọn 1 chuyên đề giám sát tối cao thì chuyên đề còn lại UBTVQH cũng tiến hành giám sát chuyên đề.
Trước đề xuất của đại biểu Trần Hoàng Ngân, ông Trần Quang Phương cho biết, khi tiến hành giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trước đây, đoàn giám sát cũng tập trung vào đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công.