Các tỉnh biên giới chặn dịch tả lợn châu Phi tràn vào Việt Nam Tập trung ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Chưa có vắc xin phòng bệnh
Theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, sản xuất trong nước đã tạo ra khối lượng lớn sản phẩm, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn ở mức cao, trung bình 5-6%/năm, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Từ năm 2005 đến nay, sản lượng thịt các loại tăng hơn 3 lần, trứng tăng 3,9 lần, sữa tươi tăng 18,6 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng 4,8 lần. Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng nhiều trung tâm chế biến lớn, thị trường thịt lợn đã phục hồi. Tuy nhiên, dịch bệnh và dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp, hiện đang lan truyền ở Trung Quốc, Nhật Bản.
Trước tình hình trên, ngày 30/8, Bộ NN&PTNT đã ban hành công điện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phòng chống dịch bệnh. Ngày 12/9, Thủ tướng cũng có công điện chỉ đạo các tỉnh ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Những hành động quyết liệt này nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, bảo vệ thành quả của ngành chăn nuôi.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam cho hay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African Swine Fever - viết tắt là ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bản chất của virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi không tự lây lan, phát tán nhanh so với một số mầm bệnh khác như virus gây bệnh lở mồm long móng, tai xanh trên lợn, dịch tả lợn cổ điển. Các nước đã từng có dịch đã chỉ rõ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan chủ yếu do có yếu tố của con người tác động như: việc vận chuyển lợn và các sản phẩm bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác. Tuy nhiên, virus bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể gây chết ở lợn với tỷ lệ rất cao so với những bệnh khác như lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển. Do đó, cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; thực hành chăn nuôi tốt và an toàn dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Hà Công Tuấn - cho biết, hiện nay cả thế giới vẫn chưa tìm ra vắc xin cho dịch tả lợn. Giải pháp đặt ra khi phát hiện dịch là phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn lợn xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh; cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín ra khỏi vùng dịch; hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy.
Vấn đề quan trọng hiện nay là làm cách nào để phát hiện virus gây dịch đã tràn vào nội địa. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn báo cáo, từ năm 2013 đến nay, Cục Thú y Việt Nam đã làm việc với FAO để tập huấn và cung cấp nguyên vật liệu chẩn đoán xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, tất cả 8 phòng thí nghiệm của Cục Thú y đã thực hiện tốt việc xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi bằng kỹ thuật real time PCR, tức là ngay sau 3 giờ xét nghiệm đã có được kết quả. Hiện tại, các phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y đã có đủ nguyên liệu để xét nghiệm trên 2.000 mẫu phát hiện virus gây dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam.
Ngăn chặn xâm nhiễm vào Việt Nam
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con. Cũng theo OIE và FAO, từ đầu tháng 8/2018 đến ngày 9/9/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, nước này đã ban hành lệnh tạm dừng nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc (trừ sản phẩm ruột lợn muối đã qua công đoạn diệt virus dịch tả lợn châu Phi theo quy định của OIE); đồng thời tổ chức kiểm soát chặt hành lý của khách du lịch tại sân bay, cửa khẩu, cảng biển, sử dụng chó để phát hiện, mở hành lý kiểm tra nếu nghi ngờ; xây dựng, rà soát lại toàn bộ kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trung Quốc đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc đóng các cửa chợ buôn bán lợn sống, không cho phép vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra khỏi địa bàn các tỉnh có bệnh; đồng thời thiết lập các vùng bị dịch đe dọa là 3km và vùng bảo vệ là 10km; tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn có nguy cơ, kèm theo việc hỗ trợ tài chính với mức khoảng 115 USD/con lợn (không phân biệt lợn to nhỏ).
Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tại hơn 23 nghìn địa điểm, bao gồm giám sát lâm sàng và chủ động lấy mẫu xét nghiệm của lợn chết, lợn bệnh. Kết quả, các cơ quan của Trung Quốc đã phát hiện được 120 mẫu dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi trong số hơn 9.900 mẫu xét nghiệm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu không để dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào nước ta, không được chủ quan, phải kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu biên giới, đường mòn lối mở...
Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành nông nghiệp trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nâng cao năng suất, giá trị và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp. Do vậy, trước hết là phòng, sau đó là chống. Nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành chăn nuôi, thu nhập và đời sống của người nông dân. Các địa phương phải hành động quyết liệt, không được chủ quan với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Mặc dù hiện nay, chưa phát hiện dịch xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT và các địa phương phải chủ động cập nhật thông tin chính xác từ các nước để chủ động, kịp thời cung cấp cho các địa phương, người dân và hộ chăn nuôi, từ đó tổ chức các biện pháp hành động. Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu. Giám sát chặt chẽ, không để lây nhiễm qua đường biên giới. Kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới. Triển khai vệ sinh, khử trùng tiêu độc các khu vực chăn nuôi. Có phương án đóng cửa các chợ, khu vực tập trung buôn bán lợn nếu có dịch bệnh xảy ra.