CôngThương - Khi dẫn phái đoàn 36 doanh nghiệp Nhật từ tỉnh Ehime đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư vào đầu năm nay, ông Nakamura Tokihiro, tỉnh trưởng tỉnh Ehime, khẳng định: “Chúng tôi cam kết hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường và sản xuất, đó là cách phát huy được lợi thế của hai bên”.
Hạ tầng rượt đuổi
Bên cạnh các chính sách hợp tác ở tầm quốc gia, những năm gần đây việc xúc tiến đầu tư thương mại giữa các địa phương của Nhật và Việt Nam liên tục gia tăng, tạo thêm những cơ hội thu hút các nhà đầu tư mới và nhu cầu gia tăng đầu tư trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhu cầu này cũng đã thúc đẩy các chuyển dịch về hạ tầng và dịch vụ trong nước, nhằm đáp ứng cho các nhà đầu tư Nhật.
Một khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu Việt Nam – Nhật Bản sẽ được mở tại KCN Phú Mỹ 3 (Bà Rịa – Vũng Tàu) có diện tích lên đến gần 1.000ha, đã được Chính phủ thông qua gần đây được xem là một trong những dự án cụ thể hoá chính sách hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản. Quy hoạch này nhắm đến dòng vốn FDI từ Nhật đang gia tăng tại Việt Nam, nhưng thiếu các dịch vụ tiện ích hỗ trợ cho các nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, tổng giám đốc công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3, cho biết giai đoạn đầu sẽ triển khai xây dựng hạ tầng trên 200ha và trước mắt hoàn thiện 70ha để kịp giao mặt bằng cho nhà đầu tư vào quý 3 tới.
Chính quyền TP.HCM mới đây cũng đã công bố dành riêng 100ha cho nhà đầu tư Nhật tại KCN Hiệp Phước. Dự án vừa được hiện thực hoá bằng khu kỹ nghệ Việt – Nhật (Vie-Pan Techno Park) 13ha được đầu tư 31 triệu USD đã khởi động hồi giữa tháng 2. Ông Jinjiro Kimura, tổng giám đốc cho biết việc đầu tư này là nhắm đến các nhà đầu tư Nhật vào Việt Nam tìm đối tác cung ứng hỗ trợ tại thị trường nội địa, mà đến nay vẫn còn khó khăn.
Khác với các dự án trước đây, các khu đầu tư tập trung này nhắm đến các doanh nghiệp Nhật với nhu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ trọn gói từ nhà xưởng đến thủ tục pháp lý, nguồn nhân lực, thủ tục thuế và thông quan, logistics, kho bãi…
Những năm gần đây Nhật đã nổi lên là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Năm 2013, Nhật đầu tư vào Việt Nam 5,75 tỉ USD, chiếm tỷ trọng gần 30% tổng vốn FDI sau khi đã dẫn đầu trong năm 2012 với 5,13 tỉ USD, xấp xỉ 40% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Luỹ kế tính đến 2013, tổng vốn đầu tư của Nhật tại Việt Nam xấp xỉ 35 tỉ USD. Con số đầu tư từ Nhật những năm gần đây đã nâng đỡ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đang trong giai đoạn suy giảm. Dấu ấn của các công ty Nhật còn ở vốn đầu tư mở rộng sản xuất liên tục với gần 4,5 tỉ USD trong năm 2013.
Kết quả khảo sát được tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật (JETRO) công bố tuần trước, 70% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cho biết họ có kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam, cao hơn so với 66% tại Indonesia và Thái Lan, 51,6% tại Malaysia…
Hơn 90% khẳng định việc mở rộng kinh doanh là để tăng doanh thu và Việt Nam là nơi có tiềm năng tăng trưởng cao. Theo ông Atsusuke Kawada, trưởng văn phòng đại diện JETRO tại Hà Nội, nhận định lợi thế của Việt Nam bên cạnh giá nhân công thấp còn ở vị trí có thể thành thị trường xuất khẩu tiềm năng sang các nước ASEAN.
Lo ngại rủi ro
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Nhật cũng cho rằng môi trường đầu tư của Việt Nam đang bộc lộ nhiều rủi ro. Đánh giá triển vọng lợi nhuận kinh doanh, 60% doanh nghiệp Nhật cho biết “có lãi”, trong khi tại Thái Lan là 72,4%, Philippines là 70% và Indonesia là 62,4%. Kết quả khảo sát của JETRO công bố tuần rồi cho thấy, những yếu tố thiếu tích cực đang chi phối đến việc đầu tư của người Nhật, là Việt Nam từ một thị trường có lợi thế về chi phí lao động thì chi phí nhân công đang tăng dần.
Gần 67% cho biết họ lo lắng khi chi phí nhân công tăng vọt, trong khi 66% cho rằng thủ tục hành chính phức tạp; 55,6% quan ngại chính sách không minh bạch; 65% nói các chế độ thuế và thủ tục thuế quan phức tạp; 67,5% băn khoăn về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và việc vận hành thiếu minh bạch.
Riêng hạng mục “thủ tục hải quan phức tạp” đã diễn biến xấu đi so với năm 2012, tăng 10,6 điểm. “Các tỷ lệ này đều tăng hơn so với các khảo sát trước. Điều này cho thấy Việt Nam đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nhưng chưa đủ mạnh, cần những cải cách mạnh hơn nữa”, ông Kawada nói.
Câu chuyện công nghiệp phụ trợ tiếp tục là rào cản đối với các nhà đầu tư Nhật. JETRO cho biết trong khi tỷ lệ mua nguyên liệu từ các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam tăng lên, thì tỷ lệ mua từ các doanh nghiệp Việt Nam lại giảm xuống. Điều này khiến cho chi phí của các doanh nghiệp gia tăng, cản trở sức cạnh tranh khi vận hành nội địa bởi nền công nghiệp phụ trợ cần có quy mô thị trường lớn, trong khi thị trường Việt Nam nhỏ nên càng khó thu hút các nhà cung ứng vào cuộc, càng cần vai trò của các công ty trong nước.
Tỷ lệ nội địa hoá của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam hiện ở mức 32,2%, tăng 4,3 điểm phần trăm so với năm trước nhưng thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 64% tại Trung Quốc, 53% tại Thái Lan, 42% tại Malaysia và 41% tại Indonesia.
Con số này chưa tính tới tỷ lệ cung ứng công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật tại phía Bắc mới chỉ đạt 9,1%. Các doanh nghiệp Nhật còn đề nghị kết hợp với Thái Lan để có thể hỗ trợ chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ tại Việt Nam. “Phát triển công nghiệp phụ trợ là một yêu cầu cấp bách”, JETRO khẳng định.