Đẩy mạnh giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp |
Nhằm làm rõ hơn những đóng góp của Chương trình Quốc gia về tiết kiệm năng lượng (TKNL), phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương).
Tiết kiệm năng lượng giúp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh |
Xin ông cho biết những kết quả đạt được của ngành Công Thương trong thời gian qua đối với công tác triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia về TKNL?
Những năm qua, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ) đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng (NL) cũng như giúp cho ngành NL phát triển bền vững. Năm 2020, Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành NL đến 2030, định hướng đến năm 2045 đã nêu rõ: “TKNL phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội”.
Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng NLTK&HQ giai đoạn 2006-2015, Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong các giai đoạn từ 2006-2010 và 2011-2015, cả nước đã tiết kiệm được tương ứng 3,4% và 5,65% tổng tiêu thụ NL trong từng giai đoạn, tương đương với việc tiết kiệm được tổng cộng 16,1 triệu tấn dầu quy đổi.
TS. Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững |
Ngày 17/6/2010, Luật Sử dụng NLTK&HQ đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Triển khai tổ chức thực thi Luật Sử dụng NLTK&HQ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, tiêu chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn các nội dung của Luật.
Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và tổng hợp danh sách các cơ sở sử dụng NL trọng điểm, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành hàng năm. Gần đây nhất, ngày 9/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1881/QĐ-TTg, ban hành danh sách 2.961 cơ sở sử dụng NL trọng điểm năm 2020, với tổng NL tiêu thụ 34,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), chiếm 51% tổng NL tiêu thụ quốc gia.
Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện (bao gồm Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/11/2011; Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 7/8/2017; và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020).
Ngoài ra còn có các Quy định về mua sắm các sản phẩm TKNL từ nguồn ngân sách nhà nước, quy định về dán nhãn NL, hiệu suất NL tối thiểu đối với các phương tiện, thiết bị sử dụng NL... đã được ban hành và tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện.
Với Chỉ thị số 20/CT-TTg về tiết kiệm điện thì sau 2 năm triển khai thực hiện, đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
Ngày 7/5/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020–2025. Theo đó, ở cấp trung ương: Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tình hình triển khai Chỉ thị số 20. Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt giải pháp như: Ban hành Văn bản số 5088/BCT-TKNL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 20.
Trong năm 2020 - 2021, Bộ Công Thương đã hỗ trợ 15 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Quốc gia về sử dụng NLTK&HQ giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3); tiến hành kiểm tra 37 đơn vị bao gồm các Sở Công Thương và các doanh nghiệp trong việc triển khai các biện pháp TKNL nói chung và tiết kiệm điện nói riêng; xây dựng và ban hành 3 hướng dẫn kỹ thuật về các biện pháp sử dụng NLTK&HQ cho 3 ngành: Chế biến thủy sản, sành sứ và dệt nhuộm...
Ở cấp địa phương, đã có 54 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20. Đặc biệt, 63/63 tỉnh, thành phố đã hưởng ứng tham gia Sự kiện Giờ Trái đất năm 2020 - 2021.
Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc ban hành các cơ chế, chính sách về TKNL, xin ông cho biết những định hướng cụ thể của Bộ Công Thương để nâng cao hiệu quả về TKNL trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giảm phát thải CO2 trong thời gian tới?
Từ đầu năm 2022 đến nay, cuộc khủng hoảng NL trên thế giới đang diễn ra phức tạp và khó lường, giá dầu thô trên thế giới có nhiều biến động, tăng cao, việc đảm bảo cung cấp NL cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân ngày càng trở nên khó khăn và cấp bách.
Chính vì vậy, song song với việc khai thác các nguồn NL sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về NL của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng NLTK&HQ là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn NL quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Sử dụng NLTK&HQ còn là giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện các nội dung sau để nâng cao hiệu quả về TKNL và nguyên, vật liệu trong sản xuất công nghiệp:
Truyền thông, tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng NLTK&HQ, phát triển bền vững; tổ chức các giải thưởng hiệu quả NL; giải thưởng NL bền vững, tổ chức các hội nghị, tọa đàm chia sẻ, thúc đẩy đầu tư, thực hiện những giải pháp TKNL…
Thực hiện các hoạt động hỗ trợ đầu tư, kỹ thuật và kiến nghị với cấp có thẩm quyền để xây dựng và thực thi các cơ chế về tài chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với các cơ chế tài chính ưu đãi, để đầu tư vào giải pháp công nghệ TKNL, sản xuất sạch…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật sử dụng NLTK&HQ. Chúng tôi đã có những đề xuất để đưa cơ chế hỗ trợ về TKNL, trong đó có cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính cho các dự án TKNL trong việc sửa đổi Luật cũng như thí điểm thành lập Quỹ TKNL để thúc đẩy đầu tư các dự án sử dụng NLTK&HQ.
Xin cảm ơn ông!