Hà Nội tiếp tục dành nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững Lồng ghép nguồn lực để giảm nghèo bền vững Giảm nghèo đa chiều trong tình hình mới |
Nhiều quyết sách quan trọng vì người nghèo
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng, triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ từng đối tượng hộ nghèo. Có thể kể đến như: Chương trình 135; chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang, ven biển; chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã; chương trình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; chương trình “Nâng cánh ước mơ”; “Ba đến, ba cùng”...
Xóa đói, giảm nghèo bền vững là một trong những quyết sách quan trọng của Đảng - Ảnh TTXVN |
Trong đó Chương trình 135 đã trở thành “thương hiệu” của Ủy ban Dân tộc nói riêng và Việt Nam nói chung trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; là điển hình cho sự quan tâm về mặt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Ngày 31/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135). Chương trình có mục tiêu tổng quát: Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước; góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.
Hơn 20 năm qua, Chương trình 135 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Hệ thống cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đầu tư với hàng ngàn công trình tập trung vào đường giao thông liên thôn, xã, trường học, trạm y tế, công trình hỗ trợ tưới tiêu, nhà sinh hoạt cộng đồng; nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và cách làm mới đã tạo cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân vươn lên thoát nghèo...
Với chương trình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, thực hiện phong trào, Hội Liên hiệp phụ nữ nhiều tỉnh/thành đã có cách làm cụ thể, thiết thực.
Ví dụ tại Hà Tĩnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã phát động phong trào “Giúp hộ nghèo có địa chỉ”, xem đây là khâu then chốt để xóa đói giảm nghèo. Với chỉ tiêu: Mỗi đơn vị giúp 1-2 xã nghèo, mỗi xã/phường giúp từ 15-20 hộ nghèo, mỗi phân chi hội giúp 1-2 hộ đặc biệt khó khăn... đã giúp nhiều hội viên nghèo vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc
Hay tại Khánh Hòa, Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh vận động hàng chục ngàn phụ nữ giúp nhau giống, vốn, ngày công lao động không lấy lãi.
Tại Lai Châu, có điểm tựa từ nguồn vốn chính sách, nhiều chị em đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn thay đổi tư duy nuôi trồng, triển khai những mô hình kinh tế sáng tạo hướng tới những sản phẩm hàng hóa sạch, an toàn và bảo vệ môi trường, có giá trị gia tăng cao.
Giờ đây, câu chuyện về những người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số “xắn tay” cùng chồng lo toan phát triển kinh tế gia đình không phải là hiếm. Có thể kể đến như gia đình chị Nùng Thị Phương ở bản Cang Mường, huyện Than Uyên, Lai Châu tận dụng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả làm chuồng trại chăn nuôi và trồng khoảng 20ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Chị Phương đã đầu tư nuôi 15 con trâu, 5 con bò và 3 con dê, mỗi năm có lãi từ 100 - 200 triệu đồng. Đến nay, gia đình chị là một trong những hộ khá giả của bản.
Giảm nghèo bền vững - yêu cầu cấp bách
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đói nghèo là một trong ba thứ giặc (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm). Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10/1/1946, Người nói: "Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ".
Thấm nhuần tư tưởng đó, xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà đặc biệt quan tâm, coi đây là yêu cầu cấp bách, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của quá trình phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm Chính phủ vẫn dành một nguồn lực lớn để đầu tư, hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai hiệu quả.
Trong bài phát biểu tại Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa nghèo và Ngày vì người nghèo Việt Nam năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau không chỉ là khẩu hiệu mà là những hành động cụ thể, thiết thực. Chúng ta hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng cảm xúc của trái tim, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng, nâng niu và cảm thông sâu sắc…”
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự hưởng ứng tích cực của cả xã hội. Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ người nghèo. Đảng, Nhà nước quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Chương trình giảm nghèo.
Tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình khoảng 120 nghìn tỷ đồng; trong đó gồm nguồn vốn trung ương khoảng 35%, vốn huy động xã hội hóa hỗ trợ an sinh xã hội và giảm nghèo của các địa phương khoảng 41%, vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp khoảng 24%.
Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ.
Tính riêng trong giai đoạn 2016 – 2020, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn chuyển biến, thu nhập của người nghèo tăng hơn 2 lần.
Hơn 13 nghìn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi; 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng được ưu tiên đầu tư, nhiều địa phương đã nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn để xây dựng vùng nông thôn mới. Có 32 huyện, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 125 xã và 1.298 thôn hoàn thành Chương trình 135; khoảng 21 nghìn công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư.
Việt Nam là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản dựa trên cách tiếp cận đảm bảo quyền con người, quyền công dân đặc biệt là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân theo Hiến pháp năm 2013 và các luật về việc làm, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, trẻ em, bảo hiểm y tế, nhà ở, thông tin. |