Tái hiện tình trạng sương mù, Hà Nội ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí thứ 2 thế giới Du khách Việt muốn sử dụng phòng nghỉ và phương tiện xanh |
Nhiều hệ lụy từ ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội đã trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí đến từ các hoạt động công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là giao thông vận tải. Khí thải từ hàng triệu phương tiện cơ giới mỗi ngày đã góp phần đáng kể vào việc làm ô nhiễm không khí, gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Nhằm góp phần tìm ra giải pháp hiệu quả trong tổ chức giao thông, phát triển loại hình vận tải xanh và phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân; lan tỏa tinh thần, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường, sáng ngày 15/8, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) tổ chức Tọa đàm: “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu |
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban tổ chức - cho biết, trước thực trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là khu vực nội đô ngày càng đáng lo ngại, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP. Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, vấn đề quan trọng nhất Hà Nội cần làm là giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí. Trong đó, khí thải từ hoạt động giao thông là mục tiêu hàng đầu, cụ thể là giảm thiểu phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng; giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch thay bằng phương tiện xanh thân thiện với môi trường.
Song, với dân số khoảng 10 triệu người; lượng xe mô tô, xe 2 bánh gần 7 triệu phương tiện, xe ô tô 1,1 triệu phương tiện và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương lân cận di chuyển, việc kiểm soát phương tiện cá nhân sẽ rất khó khăn.
Mệnh lệnh cuộc sống
Trước thực trạng nêu trên, việc cắt giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ là nhiệm vụ quan trọng trong hành trình tiến đến Net Zero - phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bởi thế, phát biểu tại tọa đàm TS. Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Hanoi Metro – nêu ý kiến, vấn đề chuyển đổi phương tiện xanh hiện nay không phải là dễ hay khó mà buộc phải làm để cho môi trường sống tốt đẹp hơn.
Tổng giám đốc Hanoi Metro thông tin thêm: Mới đây, vào 8 giờ ngày 8/8, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội được vận hành. Sau một tuần đi vào khai thác thương mại, tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội đã chạy 1.370 chuyến tàu vận chuyển an toàn 393.168 hành khách. Ngày đạt kỷ lục đã vận chuyển 100.515 hành khách. Đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có 20% hành khách có ô tô nhưng bỏ ô tô để đi tàu điện. Từ những số liệu này cho thấy sự quan tâm của người dân đối với loại hình phương tiện xanh.
Thêm thông tin tích cực, Hà Nội đang tích cực chuyển mình trong việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Cụ thể, Hà Nội hiện có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Tỷ lệ xanh hóa phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả các doanh nghiệp và Thành phố. Cùng với đó, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành.
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - đánh giá, việc chuyển đổi là khó chứ không phải dễ, tuy nhiên rất cần thiết. Ở một số nước, vấn đề này đã trở thành mệnh lệnh chứ không đơn thuần là ý thức. Bởi nếu không chuyển đổi giao thông xanh ô nhiễm môi trường tiếp tục gây nguy hại đến sức khỏe con người, như vậy sẽ tổn thất rất lớn đối với sức khỏe, kinh tế, môi trường.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII - nhấn mạnh: Xu thế chuyển đổi giao thông xanh là tất yếu, ai không tham gia sẽ bị loại ra chứ không thể lùi. Tuy nhiên để xe công cộng tốt phải có bến bãi tốt, hệ thống kết nối giao thông liên kết chặt chẽ, đầu tư hạ tầng, kể cả các trạm nạp pin, điện...
Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho thấy, với năng lực vận tải hành khách khối lượng lớn, hiệu quả về giảm thiểu ùn tắc giao thông, tính tiện lợi trong việc đi lại bằng tàu điện ở Hà Nội và không phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường đã được thấy rõ. Nhưng so với dân số hiện nay và lượng phương tiện hiện có của thành phố là quá khiêm tốn, vì vậy Hà Nội cần có giải pháp về chính sách và cả biện pháp hành chính để giảm thiểu phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân nhiều hơn trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và chuyển đổi phương tiện xanh.
Ban tổ chức cũng như các chuyên gia kỳ vọng, thông qua tọa đàm sẽ gợi mở thêm được những giải pháp nhằm gỡ “nút thắt” trong hành trình thúc đẩy chuyển đổi phương tiện xanh theo đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra với Hà Nội, tạo nên sức hút mạnh mẽ với người dân, dần thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, chuyển sang tàu điện, xe buýt, góp phần lan tỏa ý thức, tinh thần bảo vệ môi trường Hà Nội trong cộng đồng.
Tại Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải đã đặt mục tiêu đến năm 2050: Phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. |