Chính sách giảm giá điện của Bộ Công Thương có ý nghĩa và thiết thực hơn khi khách hàng là các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn |
Hỗ trợ thiết thực
Theo ghi nhận, tất cả các đơn vị điện lực thành viên của Tổng Công ty điện lực miền Trung (EVNCPC) đã thực hiện giảm 10% giá bán điện (từ bậc 1 – 4) cho 100% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo đây là những hỗ trợ rất thiết thực.
Chị Nguyễn Thị Nghĩa (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết chồng chị là liệt sĩ (hi sinh trong thời bình), một mình chị phải nuôi 2 con nhỏ. Bản thân chị là nhân viên cấp dưỡng ở trường mầm non Trúc Đào, cuộc sống bình thường đã chật vật do lương thấp, lại khó khăn hơn khi chị đã phải tạm nghỉ việc từ sau Tết Nguyên đán và mới đi dạy trở lại. Trong những tháng đầu năm 2020 mọi khoản chi tiêu trong gia đình rất eo hẹp. “Mỗi tháng tôi đều được nhà trường hỗ trợ lương cơ bản 1,3 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, số tiền này không đủ để trang trải chi tiêu trong gia đình”, chị Nghĩa nói . Tuy vậy, chị luôn cảm thấy được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các ban ngành, trong đó có chủ trương giảm giá điện của Bộ Công Thương. “Việc giảm giá điện, nhất là trong những tháng cao điểm nắng nóng và sau dịch Covid – 19 với những người lao động như chúng tôi rất có ý nghĩa. Sau thời gian dịch Covid như này, các chính sách như vậy khiến người dân chúng tôi cảm thấy rất vui mừng, ủng hộ vì nó thiết thực, nhìn thấy được. Giảm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, dù chỉ mấy chục nghìn cũng quy ra được gạo, mắm muối được”, chị Nghĩa chia sẻ.
Là một gia đình thuộc hộ nghèo, chị Nguyễn Thị Dung (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ: Gia đình chủ yếu sử dụng tivi và máy quạt, trung bình một tháng gia đình chị trả khoảng 110.000 đồng tiền điện. “Tháng này, tôi nghĩ tiền điện sẽ tăng do gia đình sử dụng quạt điện nhiều vì thời tiết quá nắng nóng. Tuy nhiên thật bất ngờ khi số tiền tháng này giảm hơn tháng trước 30.000 đồng, tôi cảm thấy rất vui cho dù số tiền không phải lớn lắm” chị Dung phấn khởi.
Ông A Vồ Dâu (dân tộc Cơ Tu) – trú tại thôn Ka Nôn 1, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế vui vẻ - cho biết: Mỗi tháng gia đình ông phải trả tiền điện hơn 170.000 đồng, tuy nhiên do ngành Điện đã thực hiện hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trọn kỳ hóa đơn trong vòng đủ ba tháng nên từ 14/4-13/5/2020 tổng số tiền điện của gia đình đã giảm xuống còn 150.000 đồng.
Số tiền tuy nhỏ nhưng lại là niềm vui của gia đình ông Dâu và chị Dung mà còn là niềm vui chung của nhiều hộ dân, đặc biệt người có thu nhập thấp. Đây vừa là nguồn động viên kịp thời về vật chất, đồng thời khích lệ tinh thần, giúp cho người dân phấn khởi, yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống.
Nhiều gia đình công nhân, người lao động nghèo ở trọ không giảm giá điện do sử dụng đồng hồ điện thứ cấp (do chủ trọ lắp) |
Nhiều công nhân, người lao động ở trọ thiệt thòi
Mặc dù chính sách giảm giá bán điện là chính sách rất nhân văn, kịp thời của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, sớm ổn định lại cuộc sống, sản xuất. Việc hỗ trợ này được thực hiện công khai, minh bạch. Tuy nhiên, đó là đối với những hộ gia đình là khách hàng trực tiếp của ngành điện. Trong đó, có cả những khách hàng là các khu trọ tự quản. Chị Hoàng Thị Xuân Đông - Công nhân may ở Khu công nghiệp Phú Bài (Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) cho biết do chủ nhà trọ ở đây có đăng ký tạm trú đầy đủ, nên ngành Điện có cơ sở để cấp định mức điện cho từng phòng trọ và người ở trọ hưởng giá điện đúng quy định. “Trong tháng 4, gia đình mình đã được giảm 10% hóa đơn. Số tiền giảm tuy không được nhiều nó rất ý nghĩa với những công nhân ở trọ như mình”.
Nhưng những trường hợp ở trọ được thụ hưởng chính sách giảm giá điện như chị Đông không nhiều. Đối với các hộ gia đình, người lao động ở trọ nhưng chủ trọ quản lý thu và trả tiền điện thì hầu như không được thụ hưởng chính sách này. Do ở trọ, đồng hồ điện là do chủ khu trọ lắp đặt để tính số điện các hộ sử dụng mỗi tháng, giá tiền điện tại các khu trọ mỗi nơi mỗi khác nhưng đa phần là quy định cố định 1 số điện là bao nhiêu (tại Đà Nẵng phổ biến là 2.500 đồng – 3.000 đồng/số), chứ không phụ thuộc vào bậc điện.
Chủ trọ mỗi tháng sẽ đóng tiền điện dựa trên công tơ tổng và hóa đơn của ngành điện gửi về. Việc giảm giá bán điện (10%) của ngành điện được thực hiện trên công tơ tổng, tức là chủ các khu trọ sẽ thụ hưởng chính sách trong khi người sử dụng điện là các công nhân, người lao động nghèo không được thụ hưởng.
Khảo sát tại hơn 50 khu nhà trọ công nhân quanh KCN Hòa Khánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho thấy các công nhân, người lao động ở trọ không được thụ hưởng chính sách giảm giá tiền điện. Nhiều công nhân không biết đến chính sách được giảm giá điện, một số ít biết đến chính sách nhưng cho rằng mình ở trọ thì chấp nhận không được giảm giá do không phải khách hàng trực tiếp. Anh Phan Duy Phong (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), nhân viên Công ty TNHH Cơ Điện lạnh Công Quốc Hương (Đà Nẵng) cho biết, vợ chồng anh vào Đà Nẵng làm việc và thuê trọ. Dù có nghe nói về chính sách giảm giá tiền điện nhưng đến thời điểm hiện tại anh chưa nghe chủ khu trọ đề cập gì đến giảm tiền điện.
Mặc dù số tiền được giảm của mỗi hộ gia đình ở trọ nếu được thụ hưởng chính sách giảm giá điện khoảng là 10.000 – 20.000 đồng/tháng, nhưng đó vẫn là thiệt thòi khi họ không được thụ hưởng, nhất là họ chủ yếu là công nhân, người lao động nghèo. Mà việc không được thụ hưởng không phải do ngành điện không giảm giá bán điện, mà chủ cho thuê trọ khi được thụ hưởng chính sách không trả lại cho người thuê trọ - người trực tiếp sử dụng điện.