Nhiều điều kiện kinh doanh thiếu minh bạch, bất hợp lý Doanh nghiệp khó đáp ứng điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự |
Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách và làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp.
Nhằm nhận diện khó khăn của môi trường kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành tổng rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành.
Kết quả sơ bộ cho thấy chất lượng điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực đã được cải thiện, bước đầu tạo xu hướng xây dựng pháp luật minh bạch nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Môi trường kinh doanh chậm chuyển biến
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, với tầm quan trọng của cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo nội dung này tại các phiên họp hằng tháng của Chính phủ.
Mức độ rà soát và các phương án sửa đổi điều kiện kinh doanh về cơ bản còn rất ít hoặc mang tính hình thức, chưa thật sự có ý nghĩa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Mặt khác, việc sửa đổi các văn bản pháp lý để hiện thực hóa phương án còn rất chậm. |
Theo đó, các bộ, ngành được yêu cầu rà soát và xây dựng phương án kiến nghị sửa đổi quy định thuộc lĩnh vực quản lý, trong đó có điều kiện kinh doanh.
Tuy vậy, mức độ rà soát và các phương án sửa đổi điều kiện kinh doanh về cơ bản còn rất ít hoặc mang tính hình thức, chưa thật sự có ý nghĩa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Mặt khác, việc sửa đổi các văn bản pháp lý để hiện thực hóa phương án còn rất chậm.
Thời gian gần đây, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và cải cách điều kiện kinh doanh nói riêng có dấu hiệu chững lại, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.
Bên cạnh lý do cả nước tập trung chống dịch Covid-19, nguyên nhân chủ quan là do nhiều nơi chưa quan tâm đầy đủ đến cải cách môi trường kinh doanh.
Kết quả rà soát từ các địa phương cho thấy những khó khăn, bất cập trong thực hiện các quy định pháp lý và thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp có nguyên nhân từ sự mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt giữa Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên và môi trường...
Làm rõ hơn những khó khăn, bất cập của môi trường kinh doanh hiện nay, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra:
Kết quả rà soát từ các địa phương cho thấy những khó khăn, bất cập trong thực hiện các quy định pháp lý và thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp có nguyên nhân từ sự mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt giữa Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên và môi trường... |
Bên cạnh đó, rào cản điều kiện kinh doanh hiện nay đang trở nên rất phổ biến. Trong quá trình đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh các loại giấy phép con nhiều lần ngay cả khi không có thay đổi về nội dung ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép.
Nếu như các thủ tục về thuế là vấn đề bức xúc của nhiều doanh nghiệp thì kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, những khó khăn bất cập từ quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy, kinh doanh xăng dầu, giấy phép môi trường, kinh doanh vận tải, an ninh trật tự... tiếp tục là rào cản đối với doanh nghiệp.
Cần khôi phục lại động lực cải cách
Tại hội thảo với chủ đề “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp” do CIEM tổ chức mới đây, bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết có những bất cập trong thủ tục hành chính đã kéo dài 5 năm chưa được giải quyết khiến doanh nghiệp đang từng ngày phải chịu đựng nhiều khó khăn, tổn thất.
Thí dụ như quy định yêu cầu bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải bổ sung i-ốt vào muối, bổ sung sắt, kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm. Quy định về phòng cháy, chữa cháy đưa ra nhiều điều kiện không khả thi khiến hàng nghìn nhà xưởng mới xây không thể đi vào hoạt động, ngay cả nhà xưởng đang hoạt động cũng bị đình chỉ vì chưa đáp ứng được điều kiện phòng cháy, chữa cháy...
"Chúng tôi chỉ mong các quy định không làm ảnh hưởng và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế", bà Lý Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh |
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đề xuất Chính phủ khôi phục Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.
Các nhiệm vụ của chương trình bao gồm công tác chỉ đạo liên tục, nhất quán việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc sửa đổi các quy định pháp lý về điều kiện kinh doanh và giải quyết kịp thời, triệt để các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Cùng với đó là nhiệm vụ tăng cường giám sát, đánh giá độc lập về kết quả thay đổi, cải cách.
Đề xuất các giải pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ này, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần thống nhất trong cách hiểu về điều kiện kinh doanh.
Vì trong thực tiễn xây dựng chính sách pháp luật, cách hiểu về điều kiện kinh doanh của một số bộ soạn thảo chính sách còn khác nhau khiến cho việc xác định một điều kiện kinh doanh và cơ chế quản lý đôi khi chưa chính xác.
Đáng lưu ý, chất lượng cải cách môi trường kinh doanh cũng sẽ được nâng cao nếu các bộ, ngành tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát việc ban hành điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và tăng cường tham vấn doanh nghiệp, minh bạch hơn trong hoạt động giải trình.
Đã có những tính toán lượng hóa về các chi phí tuân thủ của doanh nghiệp cho thấy số lượng quy định tăng thêm 1% sẽ làm giảm số lượng lao động sử dụng của doanh nghiệp khoảng 0,094% và giảm lượng vốn đầu tư của doanh nghiệp khoảng 0,23%. Để ban hành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần trả lời được các câu hỏi: Hoạt động đầu tư, kinh doanh trong ngành nghề đó có tác động tới lợi ích công cộng nào; mức độ tác động có đến mức buộc Nhà nước phải quản lý bằng các điều kiện kinh doanh hay không; có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn so với kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh hay không? Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế (VCCI) |