Thứ ba 05/11/2024 16:25

Giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Có nên áp dụng thủ tục rút gọn?

Nếu áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ thuận lợi bảo vệ nhanh chóng quyền lợi của các cá nhân, tổ chức.

Vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau

Sáng 15/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, còn có 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật vì nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong khi đa số các vụ tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị nhỏ, cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trên thế giới đều quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 100, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Tòa án Nhân dân tối cao có văn bản đề nghị không quy định về nội dung này trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là luật nội dung nhưng quy định tại Điều 69 và Điều 78 của dự thảo Luật về thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định về thủ tục tố tụng.

Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật.

Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất 02 phương án dự kiến tiếp thu để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Phương án 1: Kế thừa Luật hiện hành, đồng thời đảm bảo thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trên cơ sở dự thảo Luật do Chính phủ trình, dự thảo Luật tiếp tục quy định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sửa đổi, bổ sung Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Cụ thể, tại điểm d khoản 2 Điều 69 dự thảo Luật quy định: “Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng”; bổ sung tại khoản 3 Điều 69 nội dung “Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD”. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự tại Điều 78 dự thảo Luật..

Phương án 2: không quy định thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật.

Cần áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết các tranh chấp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chỉnh lý nhiều nội dung, đến nay đã có nhiều bước tiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật ủng hộ việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết các tranh chấp, vụ việc dân sự. Tuy nhiên, cần có đánh giá kỹ lưỡng tại sao trong thực tế thủ tục rút gọn rất ít được áp dụng, làm rõ những bất cập, vướng mắc, để có những quy định phù hợp, đảm bảo khả thi khi luật có hiệu lực.

Về giải quyết tranh chấp tại Tòa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu, số vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải ít, không chỉ bảo vệ cá nhân mà bảo vệ tổ chức sản xuất, kinh doanh. Nếu có quy trình rút gọn sẽ thuận lợi bảo vệ nhanh chóng quyền lợi cá nhân tổ chức.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết thêm, qua tiếp xúc cử tri cho thấy người dân quan tâm đến quy định liên quan đến Điều 8 của dự thảo Luật quy định đối với các người nghèo và hộ nghèo là đối tượng mà được ưu tiên sử dụng trong sử dụng các dịch vụ công.

Cử tri, nhân dân ủng hộ theo hướng được bảo vệ trong trường hợp các thông tin về dịch vụ công phải bảo đảm chính xác, đầy đủ theo như đăng ký và theo thông báo. Bên cạnh đó, người dân, những đối tượng yếu thế muốn được giá sử dụng dịch vụ công phù hợp với khả năng chi trả và thu nhập nhất là các đối tượng người nghèo, hộ nghèo.

Về khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ghi nhận cơ quan soạn thảo vào cơ quan thẩm tra đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để bổ sung trách nhiệm của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên cần làm rõ trách nhiệm đến đâu, có phải bồi thường không…

Cơ bản thống nhất nội dung giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, về khái niệm “người tiêu dùng”, cần nêu rõ người tiêu dùng gồm cả tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, để luật bao quát và giải quyết được các vấn đề liên quan đến tiêu dùng giữa các tổ chức, vốn là vấn đề tương đối phức tạp, khó xử lý hiện nay.

Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị kế thừa Luật hiện hành, đồng thời đảm bảo thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trên cơ sở dự thảo Luật do Chính phủ trình, dự thảo Luật tiếp tục quy định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sửa đổi, bổ sung Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý, đối với khái niệm, Luật hiện hành đang quy định khái niệm người tiêu dùng gồm cả cá nhân và các tổ chức. Vì vậy, khi thay đổi quy định này cần đánh giá kĩ hơn về đặc thù của Việt Nam, thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam.

Trong bối cảnh pháp luật đang bảo vệ cả tổ chức và cả cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm thì việc đề xuất bỏ đi một chủ thể quan trọng và rất khá phổ biến đối với Việt Nam thì có nên hay không.

Theo đó, cần làm rõ căn cứ để lựa chọn, thực tiễn thi hành pháp luật theo đặc thù của Việt Nam, tính hiệu quả và khả thi, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển một cách lành mạnh kinh tế - xã hội của đất nước.

Về vấn đề giải quyết tranh chấp tại tòa án, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với phương án 1, đồng thời lưu ý để đảm bảo tính thống nhất của Bộ luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ luật tố tụng dân sự cần tiếp tục rà soát kỹ các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 69 của dự thảo Luật này để đảm bảo thống nhất với các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn tại Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, có thể quy định cụ thể thêm hoặc giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn; đồng thời, đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nên phải có quan điểm chính thống về vấn đề này, có phân tích để đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối hoàn thành sớm, chống lãng phí rất lớn

Các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Chi thường xuyên cho trả tiền lương chiếm tới 45%

Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc

Bộ trưởng báo tin vui khi Chỉ số hạnh phúc và Chỉ tiêu năng suất lao động của Việt Nam đều tăng

Đề nghị Quốc hội giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự các hội nghị GMS, ACMECS và CLMV tại Trung Quốc

Chương trình Thương hiệu quốc gia đã khẳng định được trí tuệ, bản lĩnh của doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là biểu tượng của sáng tạo và năng lực tiên phong

Cơ cấu lại kinh tế vùng, đưa Đông Nam Bộ đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao

Vì sao đầu tư công lớn nhưng không dẫn dắt được đầu tư tư?

Việt Nam có thể vươn lên trở thành điểm đến lý tưởng của ngành bán dẫn toàn cầu

Năng suất lao động thấp, chi phí Logistic cao, đại biểu đề nghị miễn thuế cho doanh nghiệp cảng

Mở đợt cao điểm xử lý dứt điểm tàu cá '03 không' trong tháng 11/2024

Hội nghị thượng đỉnh GMS sẽ thảo luận những lĩnh vực hợp tác mới, tạo 'đột phá' phát triển tiểu vùng MeKong

Cử tri Gia Lai phấn khởi, kỳ vọng về Luật Điện lực (sửa đổi)

Chống lãng phí thành công, đất nước ta sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới

Đại biểu Trần Hữu Hậu: Vướng quy định nhập khẩu điều thô châu Phi, nhiều doanh nghiệp rơi vào lao lý

Sắp diễn ra Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc