Giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc khiếu nại, tố cáo
Giải quyết 27.580 vụ khiếu nại, tố cáo
Trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018 tại Quốc hội ngày 14/11, ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước so với năm 2017. Cụ thể, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng 4,7% nhưng số lượt đoàn đông người không tăng so với năm 2017.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Quốc hội |
Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. Đáng chú ý, một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, đó là do công tác quản lý nhà nước và việc thực thi pháp luật của cán bộ, công chức có thiếu sót, vi phạm. Trong lĩnh vực đất đai, công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng trình tự, thủ tục, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thực hiện. “Còn có tình trạng lạm dụng quy định nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất chưa thỏa đáng, thiếu công khai, minh bạch, công bằng” - người đứng đầu Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhất là trong lĩnh vực đất đai; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả còn thấp. Ý thức chấp hành pháp luật và hiểu biết pháp luật của một bộ phận người khiếu nại, tố cáo còn hạn chế.
Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, ông Lê Minh Khái cho hay, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 27.580 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 83,7%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 213,2 tỷ đồng, 97,2ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.800 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 462 người, chuyển cơ quan điều tra 9 vụ. Có 13 địa phương báo cáo không còn vụ việc phức tạp, kéo dài.
Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cũng tiến hành trên 1.300 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.200 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 533 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 470 tổ chức và nhiều cá nhân, xử lý kỷ luật 14 cá nhân. “Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội” - ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Tình hình khiếu kiện còn diễn biến phức tạp
Thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, đại biểu Trần Văn Mão - đoàn Nghệ An cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt tỷ lệ khá cao: Trung ương đạt 86,9%, địa phương đạt 82,3%. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, tồn đọng nhiều vụ việc đông người, phức tạp kéo dài chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm.
Gần đây, có tình trạng công dân tập trung dài ngày ở các cơ quan trung ương và đến khu vực nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để khiếu kiện, gây áp lực yêu cầu giải quyết, chăng khẩu hiệu, biểu ngữ trên đường phố gây mất trật tự công cộng. Có hành vi chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật. Theo báo cáo của Chính phủ, có đến 72 vụ việc đông người đến trụ sở tiếp công dân của trung ương để khiếu nại, tố cáo. Trong đó, nội dung chủ yếu là các vụ việc liên quan đến đất đai.
Trước tình hình đó, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp trong tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường đối thoại, chú trọng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người dân nhằm giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo gay gắt kéo dài.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm trực tiếp làm công tác quản lý trong lĩnh vực có nhiều khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm những tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý đất đai.
“Việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng chính sách, đúng pháp luật và bảo đảm người bị thu hồi đất có đời sống ổn định bằng hoặc tốt hơn nơi cũ, bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất” - đại biểu Trần Văn Mão nói.
Xung quanh vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám - đoàn Kon Tum nhận định, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt khá cao, trên 80%, góp phần khôi phục lại những quyền và lợi ích chính đáng cũng như lợi ích của nhà nước, tập thể. Đồng thời, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn kỷ cương trật tự, củng cố và tạo niềm tin của người dân vào chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước. Cử tri và dư luận đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý điều hành nói chung và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng.
“Tuy nhiên, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những hạn chế, bất cập, số lượng đơn, thư vẫn gia tăng. Có nơi tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự” - đại biểu Tô Văn Tám nói và lý giải, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế sẽ dẫn đến việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa sẽ dẫn tới áp lực thu hồi đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng, tác động trực tiếp đến lợi ích và sinh kế của người dân. Cùng với sự suy thoái của một số bộ phận công chức trong thực thi công vụ là những vấn đề phát sinh nhiều khiếu kiện.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, báo cáo của Chính phủ cũng nhận định tình hình khiếu kiện của người dân trong thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp là một dự báo đúng và các giải pháp của Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện việc giải quyết khiếu nại trong năm 2019 là các giải pháp đồng bộ và xác thực. Trong thời gian tới, cần hết sức coi trọng sự đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt trong giải quyết khiếu nại nhất là về vấn đề đất đai. Người dân thường thiếu thông tin hay cập nhật thông tin không kịp thời và trong điều kiện phức tạp của mạng xã hội hiện nay thông tin có lúc có nhiều sai lệch hoặc chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật.
Qua đối thoại sẽ mang lại cho họ thông tin đầy đủ và chính xác hơn. Đồng thời, cũng hiểu rõ hơn thái độ thiện chí của các bên, góp phần quan trọng trong việc tìm ra giải pháp có tính đồng thuận cao để giải quyết một cách thuyết phục và khả thi nhất. Đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết chứ không chỉ là giai đoạn đầu mà phải được tôn trọng, thực hiện một cách nghiêm túc và cầu thị, chứ không phải làm theo kiểu chiếu lệ, cho xong chuyện. Mặt khác, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội, các cá nhân có uy tín và cá nhân am hiểu pháp luật như luật sư, trợ giúp viên pháp lý, hòa giải viên... rất quan trọng. Bởi vậy, cần hoàn thiện các cơ chế pháp lý cho sự tham gia này để đảm bảo cho sự tư vấn đúng chính sách pháp luật, loại trừ hành vi lợi dụng tư vấn để xúi giục, kích động khiếu nại, tố cáo.
Trong năm 2019, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, nhất là các quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì đánh giá đầy đủ, sát thực tế việc thi hành Luật Đất đai, nhất là các bất cập là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo. Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì sớm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và phát triển hạ tầng thương mại, bao gồm quản lý, phát triển chợ thay thế quy định cũ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, chủ tịch UBND các cấp phải nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất, công khai lịch tiếp công dân trên cổng thông tin điện tử của cơ quan. |