Như chúng ta đã biết, vùng biển Việt Nam có trên 4.000 đảo lớn, nhỏ; trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược quốc phòng-an ninh và phát triển kinh tế biển. Mùa Xuân năm 1975, cùng với việc chuẩn bị khẩn trương cho trận quyết chiến, chiến lược cuối cùng để giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4/1975, nhiệm vụ giải phóng các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông mà Quân đội Việt Nam cộng hòa đang đóng giữ cũng được đặt ra hết sức cấp bách, đặc biệt là với một số đảo, quần đảo ở xa đất liền và có vị trí chiến lược hết sức quan trọng như Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc… Vì thế, đây chính là quyết định kịp thời và sáng suốt, thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn của Đảng và các cơ quan chiến lược; là sự tiếp nối các cuộc đấu tranh nhằm thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
PGS.TS Trần Ngọc Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam |
Vậy, ông có thể nói rõ hơn diễn biến cụ thể của mũi tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ở vùng biển phía Nam?
Ngay khi được Bộ Chính trị chấp thuận, Bộ Tổng Tư lệnh (BTTL) chỉ thị cho Bộ Tư lệnh (BTL) Hải quân và Quân khu 5 tổ chức lực lượng ra giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ở vùng biển phía Nam. Trong đó, Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và BTTL đặc biệt lưu ý đến vấn đề thời cơ, nhất là đối với việc giải phóng quần đảo Trường Sa. Quần đảo này nằm cách đất liền hàng trăm kilômet, tình hình vùng biển ở đây lại cực kỳ phức tạp; trong khi đó lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng đảo của ta mỏng, trang bị tàu thuyền, phương tiện đổ bộ của Hải quân lạc hậu… Nếu tổ chức đánh và giải phóng Trường Sa sớm, khi thời cơ chưa thực sự chín muồi sẽ khó hoàn thành mục tiêu đặt ra. Ngược lại, nếu chậm hơn, có thể sẽ mất cơ hội.
Ngày 4/4/1975, thay mặt BTTL, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một Bức điện đặc biệt cho Khu ủy, Quân khu ủy, BTL Quân khu 5 và BTL Hải quân chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa.
Ngày 9/4/1975, khi cuộc tiến công vào phòng tuyến Xuân Lộc mở màn cũng là lúc BTTL chỉ thị cho BTL Hải quân xuất quân giải phóng "H.1" (mật danh của đảo Song Tử Tây ).
Ngày 10/4/1975, một biên đội tàu vận tải của Đoàn 125 gồm các tàu 673,674,675 được lệnh tức tốc rời cảng Hải Phòng trực chỉ hướng Đà Nẵng. Để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, các tàu đều được ngụy trang thành tàu đánh cá, thủy thủ đoàn đều mặc sắc phục của ngư dân. 5 giờ sáng 14/4/1975, các lực lượng đổ bộ làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Đây cũng là hòn đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa được giải phóng. Sau đó, biên đội tàu đưa đội hình cơ động tiếp tục giải phóng đảo Sơn Ca.
Ngày 21/4/1975, phòng tuyến Xuân Lộc bị các lực lượng quân giải phóng chọc thủng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Thời cơ lớn để giải phóng các đảo còn lại của quần đảo Trường Sa đã đến. BTTL chỉ thị cho tiền phương BTL Hải quân ngay lập tức mở cuộc tiến công lần thứ 2 tiếp tục giải phóng các đảo còn lại của quần đảo Trường Sa.
Vườn rau thanh niên trên đảo Trường Sa Đông thuộc chủ quyền Việt Nam |
Hòa cùng nhịp độ tiến công thần tốc của các cánh quân trên bộ, tàu 673 tiếp tục đưa lực lượng thọc sâu xuống đảo Trường Sa - một trong những hòn đảo xa và quan trọng nhất của quần đảo Trường Sa. 9 giờ sáng 29/4/1975, các lực lượng đổ bộ đã làm chủ hoàn toàn hòn đảo này. Trước đó, vào ngày 27/4/1975, Hải đoàn 385 cùng lực lượng vũ trang huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cũng đã giải phóng hoàn toàn đảo Cù Lao Thu. Các hòn đảo gần bờ trên vùng biển phía Nam đều được lực lượng vũ trang phối hợp với các lực lượng tại chỗ giải phóng và làm chủ ngay trong quá trình giải phóng quần đảo Trường Sa.
Qua chiến công lịch sử này chúng ta đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?
Biển đảo từ lâu đã trở thành một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam; ý thức về chủ quyền biển đảo đã lưu truyền và ăn sâu trong tiềm thức của các thế hệ người Việt. Ngay từ thời nhà Nguyễn, cha ông ta đã tổ chức ra các đội để canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa và làm kinh tế biển. Vì thế, giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ở vùng biển phía Nam thành công cũng là sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống đó; đồng thời đây là cơ sở, nền tảng để Việt Nam tiếp tục thực hiện chiến lược biển hiện nay; thúc đẩy phát triển kinh tế biển, làm chỗ dựa, điểm tựa cho ngư dân hoạt động trên biển…
Qua chiến công lịch sử này, chúng ta đều nhận thấy rất rõ, giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ở vùng biển phía Nam là quyết định kịp thời, đúng đắn; kịp thời từ quyết tâm, chủ trương, kịp thời trong việc tổ chức lực lượng tinh nhuệ giải phóng các đảo làm cho quân địch và một số thế lực khác đang có âm mưu thôn tính các đảo của Việt Nam không kịp trở tay. Vì thế, chúng ta cũng đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng về tận dụng nắm thời cơ; sự quyết tâm và bản lĩnh, cũng như khả năng huy động lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp…
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững kinh tế biển, từ bài học kinh nghiệm của lịch sử, để thực hiện mục tiêu này, ông có chia sẻ gì?
Hiện nay, vai trò của biển đảo ngày càng được khẳng định, xu hướng biển đang gia tăng trên thế giới. Đối với Việt Nam, chúng ta đã đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững kinh tế biển, chủ trương này đã thể hiện cụ thể trong các văn kiện, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn năm 2021 – 2030, đặc biệt là trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực tế, thời gian qua, các chính sách về biển đảo đã được đẩy mạnh triển khai, nhưng vẫn thực hiện chưa đồng bộ. Vì thế, thời gian tới, theo tôi để cụ thể hóa các mục tiêu về phát triển kinh tế biển, cần có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp chung với xu thế toàn cầu. Đặc biệt, các chính sách phát triển kinh tế biển cần thực thi một cách hiệu quả, thiết thực hơn; có thêm cơ chế hỗ trợ, quan tâm tạo điều kiện cho ngư dân bám biển để mỗi người dân trên biển là một chiến sĩ canh giữ đảo.
Xin cảm ơn ông!