Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế |
Vướng từ văn bản pháp lý đến thực tế triển khai
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - nhận định: Thực trạng khó khăn về thuốc, vật tư y tế thời gian qua là vấn đề “nóng”, không phải với riêng Bệnh viện Bạch Mai mà của cả ngành y tế.
Sáng ngày 12/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế" |
Thực tế, sau khi dịch Covid-19 kiểm soát tốt, bắt đầu sang quý II/2022, số lượng bệnh nhân từ các tuyến, tỉnh về Bệnh viện Bạch Mai để khám chữa bệnh tăng đột biến, hầu hết các chuyên khoa đều tăng đến 5 lần, làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư, thuốc – vấn đề vốn dĩ đã xảy ra từ trước, nay thiếu trầm trọng hơn.
Có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, về thiết bị y tế, do nhiều thiết bị y tế là liên doanh, liên kết, máy đặt, máy mượn và máy liên doanh. Khi các máy, thiết bị này hết hợp đồng liên doanh, liên kết thì dừng hoạt động.
Thứ hai, cơ quan hậu kiểm khi kiểm tra hoạt động liên doanh, liên kết, xã hội hóa ở Bệnh viện Bạch Mai cũng như một số cơ sở y tế phát hiện các vướng mắc về tư pháp. Do vậy, thiết bị, vật tư y tế không đáp ứng được quy định, quy chuẩn về pháp lý để tiếp tục thực hiện.
Từ đó dẫn đến thực trạng các máy móc chẩn đoán, như máy chụp chiếu, siêu âm, cộng hưởng từ, máy test CT, máy kỹ thuật cao như robot phẫu thuật… vướng vào pháp lý, các quy định.
“Mặc dù được cơ quan chức năng, tư pháp ủng hộ đưa ra hoạt động trở lại để phục vụ thăm khám, chăm sóc cho người bệnh, nhưng còn vướng vấn đề pháp lý như đã hết hợp đồng, nên Bệnh viện Bạch Mai không thể đưa vào hoạt động cho người bệnh có bảo hiểm y tế dù bệnh nhân có bảo hiểm y tế đến với Bệnh viện Bạch Mai chiếm hơn 90%”, PGS.TS Đào Xuân Cơ nêu.
Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia đều đề cập đến vấn đề cơ sở pháp lý. Hiện tại, một số văn bản pháp quy, thông tư, nghị định không còn cập nhật nữa, điển hình như Thông tư 14 trong phân loại, mua sắm trang thiết bị vật tư. Khi các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh bắt tay vào làm thì thấy những quy định không mang tính cập nhật, gây khó khăn cho việc mua sắm, đấu thầu.
PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết thêm: "Hiện Bộ Y tế đang chỉ đạo các vụ, cục, cơ quan liên quan sửa Thông tư 14, 15 liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư. Bộ Tài chính cũng đang tích cực sửa Thông tư 58. Chúng tôi cũng đã kiến nghị sửa Nghị định 98 liên quan đến đầu thầu thuốc, vật tư. Cần làm sao cho những văn bản pháp quy của chúng ta trở thành các công cụ hữu ích, tiện ích cho bệnh viện, cơ sở y tế mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế được thuận tiện, minh bạch, công khai".
Cần cả giải pháp trước mắt và lâu dài
Trước thực trạng thiếu thuốc trong thời gian dài ảnh hưởng đến người dân cũng như vấn đề an sinh xã hội, PGS.TS. Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII - nhìn nhận: Tình trạng thiếu thuốc là đúng; sự phức tạp trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế rất đa dạng… nhưng cái khó nào cũng gỡ được. Trong vấn đề này cần tháo gỡ khó khăn cả từ cơ chế và con người.
Theo đó PGS.TS. Bùi Thị An cho rằng, Bộ Y tế cho rà soát lại các văn bản xem cái gì sai, chưa thích hợp thì cần sửa ngay lập tức. Lãnh đạo Bộ Y tế phải trực tiếp xuống các bệnh viện để quan sát, rà soát ngay. Bên cạnh đó, cần phân cấp triệt để, càng triệt để càng tốt. Cả hệ thống cùng vào cuộc, cả Bộ Tài chính. Bộ Ngoại giao, và quy trách nhiệm người đứng đầu.
Hiện nhiều địa phương cũng phản ánh, còn tình trạng khó khăn, bất cập khi thực hiện quy định liên quan trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế. Việc phê duyệt kết quả trúng thầu 1 số loại thuốc chưa căn cứ vào giá chào thầu thấp nhất, mua vật tư ngoài thầu cao hơn giá trúng thầu. Đấu thầu thuốc tập trung có thời hạn khá dài từ 2-3 năm...
Liên quan vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo - Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) – cho biết: Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải vấn đề mới có mà rất lâu nhưng tình trạng thiếu ở mức độ nào? thiếu ra sao? các đơn vị cần làm rõ. “Chúng ta cần số liệu, khảo sát rõ ràng mới có giải pháp khắc phục. Ở nguyên nhân liên quan pháp lý, theo ý kiến cá nhân của tôi, hầu như 90% văn bản pháp lý không theo kịp được thực tế. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế”, TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo nói; đồng thời bà cũng cho hay: “Tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện các văn bản đưa vào đấu thầu cũng đã có cập nhưng chưa đuổi kịp những yếu tố xã hội nên cần sửa đổi kịp thời tạo điều kiện cho đơn vị mua sắm, đấu thầu”.
Trước đó, tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” với Bộ Y tế, cũng đã nêu ra những bất cập về đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, đó là giá thuốc đấu thầu năm sau phải thấp hơn năm trước - quy định được cho là bất hợp lý trong bối cảnh chúng ta mong muốn đạt chuẩn quốc tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ: Đây là một phần trách nhiệm của Bộ Y tế, và đang giao cho các đơn vị sửa Thông tư 14, 15. Nếu theo quy định như vậy thì giá vật tư, trang thiết bị ngày càng đi xuống và dần dần về min thì các đơn vị chắc chắn không đấu thầu được và doanh nghiệp cũng không tham gia đấu thấu.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng cơ sở y tế tư nhân có thể mua trang thiết bị y tế cùng loại với giá thấp hơn so với giá cơ sở y tế công lập phải mua sau khi áp dụng quy định đấu thầu. Tình trạng tiêu cực trong đấu thầu, chỉ định thầu, bán đấu giá, mua sắm tài sản công chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Thống kê từ các bệnh viện, địa phương cho thấy, có 28/34 sở y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương. 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị. Các thuốc thiếu tại cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền. |