Hiện nay, việc hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp không đúng hạn vì không đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh đang trở thành mối lo ngại lớn trong giáo dục đại học. Đa số các trường đại học ở Việt Nam đã áp dụng chuẩn ngoại ngữ theo khung trình độ quốc gia, đòi hỏi sinh viên phải có chứng chỉ tiếng Anh đạt mức B1 hoặc tương đương.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải sinh viên nào cũng đáp ứng được yêu cầu này, đặc biệt là những sinh viên xuất thân từ các vùng nông thôn, nơi điều kiện học tiếng Anh còn nhiều hạn chế.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự chênh lệch trong chất lượng giáo dục ngoại ngữ giữa các cấp học trước đại học. Nhiều sinh viên khi vào đại học vẫn chưa được trang bị kiến thức tiếng Anh cơ bản, dẫn đến khó khăn trong việc vượt qua các kỳ thi ngoại ngữ đầu ra. Phương pháp giảng dạy tại một số trường đại học cũng gặp phải nhiều hạn chế, thiên về lý thuyết, thiếu thực hành, khiến sinh viên không có cơ hội phát triển đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết.
Tiếng Anh không chỉ là chuẩn đầu ra mà còn là lợi thế cả trong công việc sau này đối với các bạn sinh viên. Ảnh minh họa |
Thạc sĩ Đoàn Thanh Thảo, giảng viên Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ - Kỹ năng tại Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ CHí Minh (HUTECH), cho rằng, nhiều sinh viên chỉ tập trung học tiếng Anh vào cuối các kỳ học khi kỳ thi cận kề, dẫn đến việc không đủ thời gian và sự chuẩn bị kỹ càng. "Áp lực từ các môn chuyên ngành và công việc làm thêm cũng khiến các bạn sinh viên không thể đầu tư đủ thời gian cho việc học ngoại ngữ".
Theo thống kê từ nhiều trường đại học, số lượng sinh viên nợ chứng chỉ tiếng Anh ngày càng gia tăng. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ CHí Minh, nhấn mạnh: "Trường chúng tôi đã đưa ra lộ trình học rõ ràng từ các lớp sơ cấp đến chuyên ngành cho sinh viên yếu tiếng Anh, đồng thời có chính sách hỗ trợ học phí và học bổng. Tuy nhiên, để đáp ứng chuẩn đầu ra, sinh viên cần có kế hoạch học tập cụ thể và kiên trì trong quá trình rèn luyện".
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên bày tỏ lo lắng về việc không đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh có thể ảnh hưởng lớn đến tương lai sự nghiệp của họ. Bạn Nguyễn Minh Anh, sinh viên Đại học Văn Lang, chia sẻ: “Việc phải vừa học chuyên ngành vừa thi tiếng Anh tạo áp lực rất lớn. Đối với nhiều bạn không có nền tảng ngoại ngữ tốt từ trước, đây thực sự là một trở ngại".
Một số sinh viên như Nguyễn Thu Loan (Đại học Hoa Sen), dù đã hoàn thành tất cả các môn học và đi làm, vẫn chưa thể lấy bằng tốt nghiệp vì chưa đạt chứng chỉ tiếng Anh. "Mình đã thi hai lần nhưng vẫn thiếu điểm, chủ yếu ở phần nghe và viết. Việc cân bằng giữa học và làm đã gây ảnh hưởng đến quá trình ôn luyện của mình", Loan chia sẻ.
Nhằm giải quyết vấn đề này, nhiều trường đại học đã triển khai các giải pháp hỗ trợ sinh viên nâng cao khả năng ngoại ngữ. HUTECH đã tích hợp tiếng Anh vào các học phần chuyên ngành, cung cấp khóa học và thi ngoại ngữ ngay tại trường. Bên cạnh đó, các chương trình giao lưu quốc tế, hoạt động ngoại khóa cũng được tổ chức thường xuyên để giúp sinh viên cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông HUTECH, cho biết: "Nhiều sinh viên lơ là trong việc hoàn thành các điều kiện để tốt nghiệp. Dù nhà trường thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc, nhưng không ít bạn chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của chứng chỉ tiếng Anh cho quá trình ra trường và làm việc sau này".
Việc nhiều sinh viên trễ tốt nghiệp do không đạt chuẩn tiếng Anh là một thách thức lớn đối với cả sinh viên và hệ thống giáo dục. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, yêu cầu này là cần thiết để đảm bảo sinh viên có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động. Tuy nhiên, để giúp sinh viên vượt qua rào cản này, các trường cần điều chỉnh chương trình giảng dạy và tăng cường các chính sách hỗ trợ học tập. Đồng thời, sinh viên cũng cần có kế hoạch học ngoại ngữ từ sớm, thay vì chỉ tập trung vào giai đoạn cuối.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên phải đạt chuẩn ngoại ngữ bậc 3/6 (B1 theo khung châu Âu) mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Quy định này áp dụng với đa số các ngành học, và sinh viên có thể lựa chọn các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC hoặc TOEFL để thay thế. Tuy nhiên, đối với những sinh viên không có thế mạnh về ngoại ngữ, yêu cầu này vẫn là một thách thức lớn cần sự nỗ lực vượt bậc.
Để giảm thiểu tình trạng trễ tốt nghiệp do không đạt chuẩn tiếng Anh, các trường đại học cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ sinh viên, đồng thời tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận tiếng Anh một cách hiệu quả và thực tế hơn. Về phía sinh viên, cần có kế hoạch học tập và rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ từ sớm để không chỉ tốt nghiệp đúng hạn mà còn tăng cường năng lực cạnh tranh trong môi trường làm việc ngày càng hội nhập.