Về vấn đề này, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, lừa đảo trực tuyến ngày càng diễn biến phức tạp trên không gian mạng. Trong đó, trẻ em và người cao tuổi là nhóm đối tượng yếu thế mà kỹ năng, khả năng nhận diện lừa đảo trực tuyến còn hạn chế nên dễ trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo.
Lừa đảo trực tuyến ngày càng diễn biến phức tạp trên không gian mạng |
Dưới sự phát triển bùng nổ của công nghệ, trẻ em và người cao tuổi hiện nay có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với Internet nhưng lại không được trang bị đủ các kỹ năng “tự vệ”, có nguy cơ chịu nhiều rủi ro.
Trên cơ sở nhận định lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra mạnh còn người dùng chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo, Cục An toàn thông tin cho rằng, ngoài việc xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật, một việc quan trọng không kém là làm sao thúc đẩy, tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người càng tốt.
Trong đó, về giải pháp kỹ thuật, tính đến tháng 3/2024, cơ sở dữ liệu đã có gần 124.000 địa chỉ website giả mạo, liên quan đến lừa đảo trực tuyến. Hiện tại, cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia đã kết nối trực tiếp với trình duyệt Cốc Cốc, Zalo, Safegate để có thể tự động bảo vệ người dân trước các website lừa đảo trực tuyến.
Bên cạnh đó, hệ thống đã ngăn chặn xử lý hơn 10.000 tên miền độc hại (có hơn 2.700 tên miền lừa đảo trực tuyến) bảo vệ hơn 10,1 triệu người dân (tương ứng 13,1% người dùng Internet Việt Nam (hơn 77 triệu người dùng) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Mặt khác, đã phát triển thành công và đưa vào sử dụng các công cụ hỗ trợ người dân như: Kiểm tra mã độc trong mạng, kiểm tra lộ lọt thông tin lừa đảo, kiểm tra website lừa đảo... Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (https://canhbao.khonggianmang.vn), trợ giúp người dân, tổ chức gửi thông tin cảnh báo về vấn đề an toàn, an ninh trên không gian mạng. Đặc biệt là các trường hợp liên quan đến lừa đảo trực tuyến.
Về giải pháp tuyên truyền, chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền và nhận diện phòng chống lừa đảo trực tuyến” có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương và 108 cơ quan báo chí, truyền thông, mạng xã hội. Chiến dịch đã lan tỏa rộng khắp trong xã hội với hơn 2,1 tỷ lượt xem từ 20,85 triệu người dùng.
Đồng thời, phối hợp với Google thực hiện chiến dịch tuyên truyền phổ biến kiến thức an toàn thông tin, phát hành Cẩm nang "An toàn trực tuyến", với mong muốn đưa ra những hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu để giúp người Việt Nam, đặc biệt là nhóm người cao tuổi có thể sử dụng mạng Internet an toàn, hữu ích.
Phối hợp cùng Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng chỉ đạo Cổng tri thức Thánh Gióng phối hợp với Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng tổ chức các chương trình tập huấn, thanh niên hỗ trợ người cao tuổi phòng chống thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Chương trình đã tập huấn cho hơn 9.000 thanh niên trên toàn quốc về an toàn trực tuyến. Trong số đó, thanh niên ở 10 tỉnh thành đã đảm nhận vai trò tập huấn lại cho hơn 6.700 người cao tuổi về kiến thức an toàn trên môi trường mạng, thông qua các hoạt động cộng đồng tại địa phương.
Ngoài ra, phối hợp cùng với Google xây dựng một video giả lập các tình huống lừa đảo trực tuyến mà người lớn tuổi thường gặp phải và hướng dẫn cách xử lý. Nội dung thông tin hướng dẫn người cao tuổi được thể hiện thông qua những lời thơ dí dỏm và dễ nhớ, nhấn mạnh thông điệp “Nâng cao cảnh giác - Cập nhật thường xuyên - An tâm vui sống”.
Phát triển Cổng không gian mạng quốc gia và các kênh mạng xã hội nhằm tiếp cận người dân ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Cũng theo Cục An toàn thông tin, cuộc chiến chống cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo là cuộc chiến lâu dài, không chỉ Việt Nam mà ngay cả nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp vấn nạn này.
Để bảo vệ người dân, Cục An toàn thông tin và các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo như tăng cường theo dõi, giám sát hệ thống tiếp nhận phản ánh nhằm phát hiện sớm các phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an thanh, kiểm tra để xử lý cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo có nội dung ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Cục An toàn thông tin còn thường xuyên cập nhật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hình thức lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội để người dân tăng cường nhận thức phòng tránh các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.