Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lưu Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin, hiện nay, chưa phân bổ được 50% trong tổng số 60.000 tỷ đồng vốn mà Quốc hội giao. Việc phân bổ chậm lại do ba nguyên nhân chính, đó là do một số bộ ngành, địa phương thiếu vốn đối ứng. Bên cạnh đó, một số dự án có nhu cầu vốn lớn nhưng vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư, ví như các dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 TP.Hồ Chí Minh, dự án giao thông đô thị Hà Nội đều đang trong quá trình làm thủ tục và phê duyệt.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) là một trong những dự án sử dụng vốn vay ODA chậm tiến độ |
Một nguyên nhân dẫn tới việc phân bổ chậm, theo ông Lưu Quang Khánh đó là do thiếu kế hoạch vốn của một số dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
“Thực tế, nguồn vốn nước ngoài từ trước tới nay đều thực hiện theo tiến độ, giải ngân theo khả năng cung cấp vốn của nhà tài trợ. Đó là thói quen và vẫn đưa thói quen vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn lần này, do vậy các cơ quan, dự án không chú ý đến việc đăng ký sát yêu cầu. Phần giải ngân theo dự toán khi đăng ký ngay từ ban đầu, con số không phản ánh yêu cầu đó hoặc ít cơ quan đưa ra con số sát thực với nhu cầu của mình” – ông Lưu Quang Khánh nêu rõ.
Tuy nhiên, giải ngân vốn ODA chậm không chỉ vì nguyên nhân này. Bởi trong kế hoạch vốn nước ngoài năm 2019, đã có 28.000 tỷ đồng đã được giao nhưng sau 5 tháng, mới chỉ giải ngân được 2.000 tỷ đồng, tức là chưa đầy 7% số vốn được giao.
Theo thông tin của ông Lưu Quang Khánh, trước đó, Bộ Tài chính đã tổ chức một hội nghị toàn quốc về giải ngân vốn ODA và các đại biểu đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến giải ngân chậm. Đó là do chậm hoàn thiện thủ tục đấu thấu; chưa xong thiết kế cơ sở (như Bệnh viện chợ Rẫy sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, 2 năm chưa xong thiết kế cơ sở dẫn tới không thể lập dự toán, xây dựng dự án…).
Đặc biệt, “Chậm giải phóng mặt bằng là vấn đề ‘thâm căn cố đế’ của các dự án đầu tư nói chung chứ không chỉ là đối với các dự án sử dụng vốn ODA” - ông Lưu Quang Khánh nói. Ngoài ra, việc chậm ký hợp đồng vay lại Bộ Tài chính cũng là nguyên nhân khiến giải ngân vốn ODA chậm lại.
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – thông tin, ngay đầu tháng 6/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì thành lập một số đoàn công tác liên ngành làm việc tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Điều này nhằm giám sát, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, rà soát báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang đơn vị có nhu cầu về vốn và tỷ lệ giải ngân cao. Từ đó, góp phần đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, tại cuộc họp giữa Ban chỉ đạo và nhóm 6 ngân hàng tài trợ cho Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục tiếp nhận các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Sau khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế các Nghị định 16 và 132; đồng thời đề nghị các nhà tài trợ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng Nghị định nêu trên.